Tỉnh Điện Biên hiện có 59 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí không đồng đều, nhìn chung còn thấp. Đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, tỷ lệ số hộ nghèo đói cao. Điện Biên đã và đang quyết chiến với đói nghèo.
Năm 2003, tỷ lệ này là 28,5%, năm 2004 vẫn còn 21,6%. Nhưng theo tiêu chí mới và trong thực tế chắc chắn không dừng ở con số đó. Tỉnh có 360 km đường biên với tỉnh Phoong Xa Ly và Luông Fra Băng của CHDCND Lào và 38,5 km với huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, giao thông kém phát triển.
Điện Biên mới được chia tách và thành lập từ tỉnh Lai Châu cũ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 9. 554,1 km2, nhưng dân số chỉ có 450.030 người, với 21 dân tộc nhưng dân số phân bố không đều. Thành phố Điện Biên Phủ mật độ là 1.200 người/km2, trong khi huyện Mường Nhé chỉ có 10 người/km2.
Đã xoá bỏ các xã "trắng" về tín dụng
Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh. Đó là: Chương trình 500 bản, Chương trình 135 giải quyết việc làm, Chương trình khai hoang, Chương trình nước sạch nông thôn, Chương trình khuyến nông và khuyến lâm... Các chương trình này được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn tín dụng ngân hàng đầu tư có hiệu quả.
Hoạt động ngân hàng được xác định, vốn tín dụng kết hợp giữa đầu tư cho các vùng xa, vùng sâu, phục vụ mục tiêu xoá đói giảm nghèo, đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Vốn phải đảm bảo hỗ trợ cho các đơn vị thi công các công trình phục vụ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, công trình phục vụ năm du lịch Điện Biên, phát triển thuỷ điện, công nghiệp chế biến.
Đến nay các ngân hàng ở tỉnh Điện Biên đã xoá xã trắng về tín dụng. Vốn ngân hàng đã phủ kín địa bàn 88 xã trong tổng số 88 xã của toàn tỉnh. Ngay cả các xã vùng núi cao, vùng sâu, đường sá đi lại hết sức khó khăn cũng đã được vay vốn ngân hàng cho các mục tiêu khác nhau. Riêng chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã tạo lập được nguồn vốn là 174 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2004 đến nay, gần 20.000 lượt hộ nghèo và hộ thuộc đối tượng chính sách được vay vốn. Số vốn đó được chuyển tải tới các hộ vay thông qua 2.577 tổ vay vốn của Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh. Hiện nay còn khoảng 34.000 hộ nghèo và hộ vay vốn giải quyết việc làm đang dư nợ ngân hàng. Đông đảo các hộ vay vốn đã thoát khỏi đói nghèo, tạo thêm được việc làm mới và ổn định thu nhập. Vốn tín dụng cho phát triển sản xuất kinh doanh do chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn và chi nhánh Ngân hàng đầu tư - phát triển đảm nhận.
Đến nay số vốn tín dụng loại này được đầu tư cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp là 138 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,58%; đầu tư cho ngành công nghiệp và xây dựng đạt 530 tỷ đồng, chiếm 46%; đầu tư cho ngành thương mại và du lịch đạt 25 tỷ đồng, chiếm 2,16%; còn lại là vốn đầu tư cho các ngành khác trên địa bàn.
Vai trò và tác dụng của các doanh nghiệp tư nhân
Trong số 8 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, thì cho đến nay, hiếm có địa phương nào trong toàn quốc như huyện Điện Biên Đông lại có 100% số xã thuộc vùng 3 theo phân loại của Uỷ ban Dân tộc. Đây là các xã đặc biệt khó khăn, theo chính sách tín dụng ngân hàng, thì người vay được giảm 30% lãi su t vay vốn so với lãi suất cho vay thông thường.
Điện Biên Đông được tách ra từ huyện Điện Biên vào năm 1996, là huyện miền núi cao, 907 km2 là đồi núi cao chiếm 3/4 diện tích của toàn huyện. Dân số định cư trên 186 bản, với 6 dân tộc. Nhiều xã ô tô chỉ tới được trụ sở UBND xã vào mùa khô. Hàng năm, toàn bộ 10 xã trong huyện được Chính phủ trợ cấp gạo. Kinh tế vẫn mang nặng tính tự cung, tự cấp. Tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 40%. Do đó vốn tín dụng ngân hàng được xác định chủ yếu đầu tư cho đồng bào dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hoá, phát triển giao thông và cải tạo cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều trường học kiên cố được đầu tư xây dựng bằng vốn tài trợ của EU; hàng chục công trình cơ sở hạ tầng đang được triển khai bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
Để các dự án sớm đi vào hoạt động, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn huyện Điện Biên Đông đã đầu tư vốn cho các đơn vị thi công để triển khai đúng tiến độ. Doanh nghiệp tư nhân số 21 được đầu tư 206 triệu đồng thi công dự án thuỷ lợi Na Su và đường giao thông Tìa Lình. Doanh nghiệp tư nhân số 12 được vay 1,7 tỷ đồng làm công trình giao thông Trung Sua - Keo Lôm. Doanh nghiệp tư nhân Tiến Đạt được vay 5. 172 triệu đồng xây dựng trường trung học mầm non Phì Nhừ và một số công trình giao thông. Các doanh nghiệp khác được đầu tư vốn xây dựng công trình nước sạch cho bà con dân tộc, xây dựng cầu treo, đường giao thông vào xã.
Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn huyện còn cho 134 hộ gia đình giáo viên, cán bộ, công an, bộ đội vay vốn phục vụ nhu cầu tiêu dùng, như mua xe máy làm phương tiện đi lại, sửa nhà ở; cho vay hộ nông dân, đồng bào dân tộc đạt 3.940 triệu đồng, với 275 hộ đang dư nợ phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.
Thời báo kinh tế Việt Nam - (29/04/2005)
|