Today: 8 Feb 2006
  Trang chủ | Giới thiệu | Định vị | Góp ý | Giúp đỡ | English

Phát triển xã hội
Chăm sóc sức khoẻ
Vấn đề trẻ em
Cứu trợ xã hội
Xoá đói giảm nghèo
Các tổ chức xã hội
Tin tức
Chào mừng đến Việt Nam
Kinh tế
Giáo dục - Đào tạo
Chính phủ quản lý
Hợp tác Quốc tế
Khoa học - Công nghệ - Môi trường
Website phục vụ phát triển
TỶ GIÁ GIAO DỊCH
DIỄN ĐÀN
HỎI/ĐÁP
Hà Nội 8 - 16 oC
Huế 14 - 20 oC
Đà Nẵng 17 - 21 oC
Hồ Chí Minh 21 - 33 oC
Xoá đói giảm nghèo

Làm giàu trên đất nghèo

Trà Vinh lâu nay được xem là địa phương khó khăn nhất ĐBSCL. Trà Cú lại là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trà Cú đã thay đổi khá nhiều. Điều thú vị nhất là sự xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú ^là người Khmer tự vươn lên từ vùng đất khó…

Đổi đời từ…tay trắng

Con đường dẫn vào ấp Tắc Hố, xã Ngọc Biên chạy ngoằn ngoèo qua nhiều ngả rẽ, phải mất cả giờ đồng hồ mới đến nơi. Trước mắt chúng tôi, trang trại của anh Thạch Bé rộng 38 công trải rộng tít đến tận bờ kênh.

Cạnh nhà anh là hai dãy chuồng bò được xây kiên cố, sạch sẽ với sức chứa gần cả trăm con. Nhìn cơ ngơi khang trang, ít ai nghĩ trước đây Thạch Bé khởi nghiệp từ tay trắng.

Sinh ra trong gia đình nghèo, con đông, học hành không được bao nhiêu, lớn lên Thạch Bé phải làm thuê kiếm sống. Đào đất, gặt lúa, khuân vác… mùa nào việc ấy, nơi đâu cần lao động làm công là anh có mặt.

Cần cù và tiết kiệm, đã giúp cho Thạch Bé tạo dựng cơ nghiệp. Khoảng năm 1980, phong trào cày đất ở Trà Cú phát triển mạnh, Thạch Bé quyết định vay tiền mua trâu về cày thuê. Hằng ngày anh mang trâu đi cày hết đồng này sang đồng khác.

Vừa làm vừa tích lũy, chỉ vài năm anh trả hết nợ và mua được gần một ha đất ruộng. Đến năm 1990, nghề nuôi bò sinh sản và bò thịt thịnh hành, Thạch Bé bán trâu chuyển sang nuôi bò. Từ vài con, anh nhân đàn bò lên 9 - 10 con mỗi năm. Cứ thế, năm sau đàn bò lại cao hơn năm trước về số lượng lẫn chất lượng. Song song đó, anh không ngừng mua thêm đất ruộng sản xuất và đất trồng cỏ nuôi bò.

Đến nay, Thạch Bé có trong tay trên bốn ha ruộng và đất thổ cư. Hằng năm anh áp dụng luân canh mô hình hai lúa - một màu với các loại giống chất lượng cao và màu cao cấp và nuôi thêm đàn bò gần trăm con. Trung bình mỗi năm anh thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Từ hộ nghèo giờ đây anh là một trong những gia đình khá giả nhất nhì ở Tắc Hố.

Tuy nhiên, Thạch Bé sống rất giản dị. Hằng ngày, anh vẫn mải miết ngoài đồng với lúa, với màu, trồng cỏ, nuôi bò… đồng thời tận tình giúp đỡ bà con chung quanh cách làm ăn hiệu quả.

Ở xã Tân Sơn, ai cũng thán phục ý chí vươn lên của anh Kim Ngọc Thi. Khởi nghiệp từ diện nghèo, chỉ vỏn vẹn ba công đất ruộng, vậy mà anh tích lũy dần đến nay đã mua được 45 công. Anh Thi áp dụng đa canh vườn- ao - chuồng kết hợp trồng lúa cao sản.

Ngoài ra, anh còn làm thêm dịch vụ cày xới, suốt lúa, sấy lúa… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Theo Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Trà Cú, anh Thi là điển hình tiêu biểu nông dân sản xuất giỏi, biết sáng tạo và ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả cao.

Đi lên bằng nhiều cách

Những nông dân chân đất trở thành tỷ phú đã góp phần đáng kể cuốn hút nhiều hộ nghèo làm theo, tạo nên phong trào sản xuất kinh doanh giỏi rộng khắp tại địa phương.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Trà Cú còn tận dụng tối đa nhiều mô hình để phát triển kinh tế xã hội. Mấy năm nay, xã Tân Hiệp trở thành “điểm sáng” điển hình của tỉnh Trà Vinh từ mô hình “mượn đất thoát nghèo”.

Tại đây những hộ khá được xã vận động giúp hộ nghèo bằng cách cho mượn đất sản xuất một đến hai vụ mỗi năm. Xã còn phối hợp với ngân hàng hỗ trợ vốn giúp bà con có chi phí đầu tư.

Đảng ủy xã cũng phân công cán bộ đảng viên trực tiếp hướng dẫn người dân phương pháp làm ăn và sử dụng đồng vốn hiệu quả. Từ cách làm chặt chẽ và hợp lòng dân, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng trăm hộ khá tình nguyện dành khoảng 150 ha đất giúp hộ nghèo sản xuất.

Anh Lâm Ngọc Thương phấn khởi: “Mượn được mười công đất đối với tôi như một giấc mơ. Chỉ canh tác một vụ lúa đã có trong tay 250- 300 giạ, ngoài ra tôi còn trồng rẫy, làm mướn thêm… giờ đây không còn lo nghèo”. Anh Thạch Ngọc Cua, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp khẳng định: “Việc cho mượn đất sản xuất đã giúp nhiều gia đình vươn lên ổn định cuộc sống. Cái hay của mô hình này là làm thắt chặt thêm tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau…”.

Ở Trà Cú bây giờ ai cũng bảo trồng mía làm giàu, mới nghe khó mà tin bởi những năm gần đây nghề trồng mía rất bấp bênh. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Nhà máy đường Trà Vinh giải thích: “ Hiện nay phương pháp trồng mía đã khác trước rất nhiều, gần 5.368 ha của bà con được quy hoạch vào vùng nguyên liệu; trong đó, 3.821 ha được ký hợp đồng bao tiêu.

Theo đó, nhà máy đầu tư giống mới, chi phí phân thuốc, kỹ thuật canh tác… người dân chỉ bỏ công lao động. Chỉ sau hai vụ chuyển đổi sang cách làm mới, năng suất mía ở Trà Cú tăng lên đáng kể; có hộ đạt đến 200 tấn ha ( cao nhất ĐBSCL ). Trong khi trước đây trúng lắm chỉ 60-90 tấn/ ha trở xuống”.

Vụ mía năm nay nhiều nông dân xã Kim Sơn, Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu… thu lời từ 30 đến 50 triệu đồng/ ha, đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Số hộ trở thành triệu phú mía trên đất Trà Cú ngày càng nhiều lên.

Nghĩa tình từ thành phố Hồ Chí Minh

Anh Thạch Hel, Bí thư Huyện ủy Trà Cú phấn khởi nói: “Giảm 3,1% hộ nghèo mỗi năm, nâng thu nhập đầu người đạt hơn 5,07 triệu đồng, GDP tăng 13,79%, số hộ có điện gần 72%, nước sạch 85%... là những phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân Trà Cú. Được như vậy là nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và sự vận dụng linh động giữa nội lực và ngoại lực. Đặc biệt, có sự hỗ trợ tích cực của thành phố Hồ Chí Minh”.

Từ năm 1999 đến 2002, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… của thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ trên 11 tỷ đồng đầu tư 28 dự án sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, cầu nông thôn, nhà tình nghĩa, trạm y tế… Trong năm 2003 và 2004, thành phố tiếp tục hỗ trợ khoảng chín tỷ đồng nâng cao đời sống người dân và xây nhà tình thương cho các huyện Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành… từ nghĩa tình của thành phố đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống hàng nghìn hộ.

Ông Trần Văn Dơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh nhìn nhận: “Từ những nguồn vốn mà thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ đã mang lại hiệu quả rõ nét giúp Trà Vinh nói chung và huyện Trà Cú nói riêng phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, các lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ, du lịch… cần đầu tư phát triển”.

Tới Trà Cú, huyện có trên 60% đồng bào dân tộc Khmer (đông nhất tỉnh ), chúng tôi cảm nhận sự đổi thay từ cách nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Ở đó có nhiều hộ đồng bào Khmer ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật bắt đất “đẻ” ra vàng.

Trung tâm thông tin Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - (25/04/2005)


More

Trang chủ  |   Giới thiệu  |   Định vị  |   Phản hồi  |   Giúp đỡ

Số lượt truy cập: 1722659 © Copyright 2003 Vietnam Development Gateway, All right Reserved, Legal & Privacy Notices.
E-mail: vncgteam@vnn.vn  —   Tel: 84-4-8532313