Viêm não cấp là bệnh nặng ở trẻ em, nguy cơ tử vong cao, có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ như yếu tay chân, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, thậm chí sống đời sống thực vật. Thời điểm tháng 10, 11 hoặc tháng 3-5 hằng năm, mắc bệnh này lại tăng lên .
Viêm não cấp (VNC) thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao (39oC - 40o C), có thể kèm theo ho, ói, tiêu chảy. Ngoài ra, còn một số triệu chứng đáng nghi ngờ như co giật, thay đổi tri giác. Những triệu chứng này có thể dễ hoặc khó phát hiện tùy vào mức độ biểu hiện. Trẻ co giật, hôn mê, bị kích thích đau nhưng không khóc hoặc không nuốt được thì gia đình còn dễ phát hiện, chứ khi có những biểu hiện không rõ như run chi, giật mình thoáng qua, hoảng hốt, khóc nhiều, ngủ li bì thì rất dễ bị bỏ qua. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm –Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 cho biết VNC là một bệnh viêm nhiễm não bộ. Đây là loại bệnh nặng, với tỷ lệ tử vong là 15% - 20%, di chứng 30%-35%, khoảng 50% trở lại cuộc sống bình thường. Trẻ VNC nặng có thể tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện, còn đa phần hôn mê sâu trong 4 -5 ngày rồi hồi phục. Sau hồi phục, trẻ có hoặc không để lại di chứng. Một số di chứng thường gặp là sống đời sống thực vật, yếu tay chân, động kinh, chậm phát triển trí tuệ.
VNC do nhiều loại virus khác nhau gây ra, xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc qua da (từ muỗi chích). Sau đó một số siêu vi lên não gây viêm não, còn đa số chỉ gây bệnh thông thường như sốt, cảm cúm, sổ mũi hay tiêu chảy. Virus chỉ tấn công vào não gây bệnh khi đó là virus có độc tính mạnh hoặc cơ thể có sức đề kháng yếu.
Bác sĩ Khanh lưu ý, với những trẻ có triệu chứng loét miệng, nổi bóng nước tay, chân (triệu chứng của bệnh tay chân miệng), các bậc cha mẹ nên theo dõi trẻ mặc dù bệnh này có tỷ lệ biến chứng viêm não rất ít. Nếu thấy trẻ có biểu hiện lơ mơ phải đưa trẻ đến BV điều trị ngay.
Nhân Dân - (12/11/2004)
|