Với những người mù, nhìn thấy lại ánh sáng là được sống lại lần thứ hai. Chương trình mang lại ánh sáng cho người mù, đặc biệt là người mù nghèo, ở tỉnh Phú Thọ, do tổ chức phi chính phủ quốc tế Orbis hỗ trợ từ tháng 3-2001, được ghi nhận là mô hình thí điểm thành công, sẽ được nhân rộng trên toàn quốc trong thời gian tới.
Những niềm hạnh phúc vô bờ
Chúng tôi theo chân bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Phúc xuống giường bệnh, nơi hai bệnh nhân mổ đục nhân mắt từ hôm trước đang chờ anh. Cái rét dưới 10 độ C khiến mọi người co ro trong lớp chăn mỏng. Nhưng khi bác sĩ Hải bước vào phòng, đến giường bệnh và nhẹ nhàng gỡ băng cho người bệnh thì cả căn phòng ấm bừng lên bởi niềm vui toát ra từ tiếng cười, giọng nói của họ. Một cụ bà móm mém, đôi tai nặng ngồi hẳn dậy đón nhận giây phút cụ chờ đợi suốt bao năm qua.
Cụ reo vui :"Tôi sung sướng quá! Cảm ơn bác sĩ, mắt tôi sáng lại rồi!"_ Đó là tiếng reo yếu ớt của cụ Lương Thị Bé, 88 tuổi, thôn Cẩm Đội, xã Cẩm Vân, Việt Trì, mẹ của hai liệt sĩ. Người ta vẫn cảm nhận được trong giọng cụ niềm hạnh phúc vô bờ: "Sáng mắt thì tôi lại tự cơm nước được rồi. Về làng tôi sẽ bảo các cháu cho tôi đi khắp làng...
Sau cụ Bé, ông Đỗ Duy Hỷ, thôn Diễu Lâu, Việt Trì, 74 tuổi cũng được bác sĩ Hải gỡ băng che mắt. Nhìn thấy ánh sáng, ông phấn khởi lắm bởi một người nghèo như ông, nếu phải tự túc kinh phí 600.000 đồng cho một ca phẫu thuật thay TTT nhân tạo thì quả là quá xa vời. Ông chân thành nói trong niềm vui lớn: "Tôi sung sướng quá! Được sự quan tâm của Nhà nước và các bác sĩ tôi được nhìn thấy ánh sáng rồi. Bây giờ tôi có thể nhìn thấy bà con chòm xóm, con cháu họ hàng. Nay mai về nhà, tôi còn đỡ đần việc nhà cho con cháu. Hạnh phúc quá!" Rời Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi tới xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ thăm cụ Hoàng Thị Tỵ, 85 tuổi, người được mổ đục thủy tinh thể năm 2004. Cụ kể lại câu chuyện đi tìm ánh sáng của mình vanh vách như chuyện vừa xảy ra hôm qua vậy.
Cụ hào hứng khoe:" Tôi nhìn lơ mơ từ lâu rồi, nhưng mù hẳn hai mắt từ vài năm nay. Lúc đầu, tôi không chịu phẫu thuật vì sợ đau lắm, hai nữa tôi không tin tưởng ở tay nghề của bác sĩ trên huyện. Nhưng được con dâu và các con tôi thuyết phục, được sự động viên của các bác sĩ Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, tôi đồng ý đi phẫu thuật mắt. Trước và sau khi phẫu thuật, các bác sĩ động viên tôi nhiều lắm khiến tôi yên tâm hơn. Thú thực, mổ mộng nhẹ nhàng lắm, tôi thậm chí chẳng biết gì và cũng không đau đớn gì cả. Mổ xong tôi thấy khoan khoái lắm. Chỉ hôm trước hôm sau là đã tỉnh táo rồi". Nói rồi cụ lại xăng xái đi mài sắn, băm rau cho chúng tôi xem, rất thành thục và gọn gàng.
Bài học thành công
Kết quả điều tra cơ bản năm 2000 do Viện mắt trung ương kết hợp ngành mắt tỉnh Phú Thọ thực hiện,với sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ người mù trong tỉnh là 0,8 % ( 8.000 ca), trong đó hơn 7% (hơn 6.000 ca) mù do đục nhân mắt, một bệnh có thể chữa được. Tháng 3 năm 2001, tổ chức phi chính phủ Orbis chọn Phú Thọ là tỉnh thí điểm đầu tiên trên cả nước thực hiện.
Dự án hỗ trợ phòng chống mù loà (PCML) kéo dài đến tháng 2-2006. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải thuộc Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Là một bác sĩ lâu năm trong ngành mắt, tôi đã tiếp nhận kiến thức được Orbis và Viện mắt T.Ư đào tạo, trở thành một phẫu thuật viên chính của trung tâm làm nhiệm vụ giải phóng mù loà cho người nghèo, đồng thời tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ, phẫu thuật viên trẻ. Ngoài ra, tôi tham gia chương trình chăm sóc mắt ban đầu cho y tế cơ sở và là người thực hiện dự án toàn diện. Khoa mắt của chúng tôi hiện có 10 cán bộ, trong đó có sáu bác sĩ, năm bác sĩ mổ được độc lập.
Được sự hỗ trợ của Orbis, Viện mắt T.Ư và Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, tỉnh Phú Thọ đã xoá mù cho người nghèo thuộc diện 139. Lượng người được khám chuyên khoa mắt và được phẫu thuật thay thuỷ tinh tể nhân tạo ngày càng tăng. Dự án đã giúp rút ngắn thời gian giải phóng mù loà cho nhân dân trong tỉnh Phú Thọ gấp 3-5 lần.Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải, với sức mổ hiện tại Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội của tỉnh Phú Thọ chỉ giải quyết được một số mắc mới (khoảng 1.000 ca/năm) và thêm một phần tồn đọng. Năm 2005, được sự hỗ trợ của Nhà máy xi-măng Hữu Nghị, trung tâm tiếp tục mổ mắt cho người mù nghèo mắc mới và người mù cận nghèo (phẫu thuật 1.500 ca với mức chi 600.000đồng/ca).
Năm 2006, Nhà máy tiếp tục hỗ trợ 12 tỷ đồng mổ cho những người mù nghèo và cận nghèo. Bác sĩ Hải nhấn mạnh, Phú Thọ là tỉnh nghèo, phần lớn người mù nghèo nên không thể chi trả chi phí cho phẫu thuật mắt. Trong thời gian tới, tỉnh cần kinh phí hỗ trợ, tăng cường trang thiết, bị tiến tới mổ kỹ thuật cao như áp dụng phương pháp PHACO để giải phóng mù loà cho người dân địa phương.
Truyền thông, công cụ hữu hiệu trong giải phóng mù loà
Huyện Phù Ninh có 20 xã, hầu hết mỗi xã có một cán bộ y tế thôn bản tuyên truyền về chăm sóc mắt ban đầu lồng ghép các chương trình khác như thần kinh, lao, dinh dưỡng, phụ nữ, dân số...
Chị Đỗ Thị Năm, người đã làm công tác y tế thôn bản năm năm nay ở xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ tâm sự: "Thu nhập của cả gia đình tôi được 800.000 đồng/tháng từ chăn nuôi, nông nghiệp. Ngoài mảng y tế, tôi làm thêm cả công tác phụ nữ, dân số mà tổng số tiền thù lao nhận được chỉ 57.000 đồng/ tháng. Giá có thêm tiền bồi dưỡng thì tôi có đi tối ngày chồng con cũng không ý kiến gì".
Nói vậy nhưng chị vẫn rất say mê công việc, mỗi lần thấy người dân chữa khỏi bệnh, được phẫu thuật sáng mắt trở lại, chị rất phấn khởi. Cái khó nhất của một cán bộ y tế thôn bản theo chị là phải thuyết phục được người có bệnh chữa bệnh. Thuyết phục người nhà mình còn khó, nhưng khi người bệnh đã được chữa khỏi bệnh thì " tiếng lành đồn xa", lúc đó tự khắc người bệnh trong xã sẽ tìm đến hỏi han và học theo.
Bác sĩ Phan Thị Chinh, trung tâm y tế huyện Phù Ninh, một phẫu thuật viên nòng cốt trưởng thành từ dự án của Orbis cho biết: Cán bộ y tế thôn bản đóng vai trò quan trọng trong công tác xoá mù. Thực tế cho thấy khi nào có đợt tuyên truyền thì phong trào hoạt động tốt hơn, nếu không thì rơi vào yên ắng.
Thế nhưng, theo chị, số tiền thù lao cho đội ngũ cán bộ y tế thôn bản hiện nay là chưa thoả đáng bởi vì chỉ những xã được công nhận là xã miền núi thì cán bộ y tế thôn bản mới được nhận số tiền phụ cấp 40.000 đồng/người/tháng trong khi đa số họ làm nghề nông, phải mất rất nhiều thời gian đi tuyên truyền, vận động từng người dân trong xã về những chính sách, dự án mới.
Trao đổi về vấn đề này, TS- BS Vương Văn Quý, Viện mắt T.Ư, người tham gia toàn diện dự án của tổ chức Orbis, nói :" Chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả của công tác truyền thông, nhưng thực tế cho thấy nếu làm tốt công tác này thì rõ ràng hoạt động hiệu quả hơn". Anh dẫn chứng :"Mấy năm trước, khi chúng tôi tổ chức mỗi đợt phẫu thuật xuống xã thì chỉ có khoảng 20 bệnh nhân tham gia, hiện có 28 người/ đợt. Hơn nữa, chúng tôi đã tập huấn cho đội ngũ y tế thôn bản, họ sẵn sàng làm việc theo chương trình lồng ghép rồi, nhưng nếu không có thêm tiền bồi dưỡng thì khó có thể khuyến khích họ dành hết tâm sức cho công việc".
Bác sĩ Quý cho rằng, một trong những trở ngại rất lớn trong công tác chống mù loà, một phần do người nghèo không đến được các trung tâm chữa bệnh, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do trình độ dân trí thấp, người dân không biết họ mắc bệnh gì, bệnh nào có thể chữa được và chi phí chữa bệnh là bao nhiêu. Do vậy, thời gian tới chúng ta cần chú trọng công tác này nhiều hơn.
Orbis, bạn đồng hành của ngành mắt và người khiếm thị Việt Nam
Dự án của Orbis hỗ trợ tỉnh Phú Thọ đào tạo mạng lưới cán bộ chuyên khoa mắt phù hợp với từng tuyến từ tỉnh, huyện, xã, y tế thôn bản; tập huấn cho các bác sĩ chuyên khoa mắt về phẫu thuật đục thuỷ tinh thể; tổ chức các chiến dịch môt đục thuỷ tinh thể, quặm, mộng tại cộng đồng; tổ chức khám và điều trị tật khúc xạ cho trẻ em khối trường học; tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc mắt ban đầu; cung cấp trang, thiết bị chuyên ngành cho các tuyến.
Ngoài vươn tới mục tiêu xây dựng một trung tâm mắt vững mạnh tại Phú Thọ, Orbis muốn rút kinh nghiệm, từ đó mở rộng phạm vi hoạt động giúp ngành mắt Việt Nam. Sau một thời gian thí điểm thành công ở Phú Thọ, nhờ sự cộng tác tốt của địa phương, sự nỗ lực của tất cả cán bộ tham gia chương trình, Orbis đã mở rộng chương trình ra các tỉnh khác như Hà Tây, Hà Nam, Viện Mắt T.Ư, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nam Định, Thái Nguyên.
Sự có mặt của Orbis tại Việt Nam gần 10 năm qua đã góp phần đem lại ánh sáng cho hàng chục nghìn người mù, đặc biệt là người nghèo; hàng trăm bác sĩ, hàng nghìn y tá, hỗ trợ phẫu thuật đã được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn.
Dự kiến, trong năm 2006, Orbis tăng ngân sách dành cho Việt Nam từ một triệu USD/năm trước đây lên hơn hai triệu USD cho các hoạt động giúp phục hồi thị lực. Orbis thực sự đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy của ngành mắt và những người khiếm thị Việt Nam.
Báo Nhân Dân - (14/12/2005)
|