Sau hơn 20 phút thực hiện, sáng 5/5, ca mổ nội soi sỏi mật qua tư vấn trực tuyến đầu tiên cho bệnh nhân Đặng Thị Thanh, 57 tuổi ở Hải Phòng đã thành công, đánh dấu một bước tiến mới của ngành y học Việt Nam với sự hỗ trợ của công nghệ viễn thông và tin học.
Ca mổ trên do Bệnh viện Việt-Tiệp (Hải Phòng) thực hiện dưới sự tư vấn trực tiếp của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Chủ tịch hội Ngoại khoa Việt Nam và Phó Giáo sư Chu Mạnh Khoa, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội) dựa trên hệ thống tư vấn phẫu thuật trực tuyến.
Hệ thống tư vấn phẫu thuật trực tuyến là một phần của dự án "Nâng cao năng lực Ngoại khoa và chấn thương" xây dựng mô hình thí điểm các trung tâm vệ tinh góp phần giảm tải cho Bệnh viện Việt-Đức do Bộ Y tế làm chủ quản và Bệnh viện Việt-Đức làm chủ đầu tư.
Giai đoạn trước mắt có 6 bệnh viện tham gia gồm Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa Việt-Tiệp (Hải Phòng), Bệnh viện đa khoa Nam Định, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ và Bệnh viện đa khoa khu vực Sơn Tây.
Triển khai công nghệ này, người bệnh có thể được chẩn đoán và điều trị với ý kiến của các chuyên gia đầu ngành ngay tại địa phương, nhằm giảm chi phí cho vận chuyển và cơ hội được cấp cứu từ những giờ đầu tiên ngay sau tai nạn. Với bệnh viện địa phương, đây cũng là cơ hội để nâng cao năng lực chuyên môn, tránh lãng phí về kinh tế.
Theo ông Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức, dự án sẽ giúp giảm tải khoảng 50% những ca chuyển lên tuyến trên không cần thiết cũng như giảm khoảng 70-80% các tử vong do chuyển về quá muộn hoặc xử lý ban đầu chưa được tốt, đồng thời giảm sai sót về y học.
Ông Giang cũng cho biết, chi phí tư vấn trực tuyến sẽ nằm trong chi phí của các bệnh viện mà không tính vào phía bệnh nhân.
Thông tấn xã Việt Nam - (06/05/2005)
|