Đề án "Đào tạo từ xa kết hợp với đào tạo trên lớp theo chương trình bổ túc THPT cho công nhân" là một sự liên kết đầy ý nghĩa giữa Sở GD&ĐT, Liên đoàn lao động tỉnh và Đài PT-TH Đồng Nai. Tuy nhiên việc triển khai đã bắt đầu nảy sinh nhiều vướng mắc...
Đồng Nai dự kiến sẽ phổ cập THPT vào nǎm 2010. Nếu xét riêng với đối tượng công nhân, có khoảng trên 56.000 công nhân trong diện phổ cập vào thời điểm này. Dự báo từ Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu tuyển dụng hàng nǎm khoảng 20.000 công nhân. Như vậy, trong vòng 7 nǎm tới, theo tỷ lệ người lao động có bằng THCS như hiện nay, số công nhân trong diện phổ cập THPT của Đồng Nai sẽ lên đến gần 100.000 người. Chưa kể những đối tượng lao động hành nghề tự do khác.
Quỹ thời gian eo hẹp đã khiến cơ hội học tập của người lao động giảm đi. Thêm vào đó, tính chất ca kíp đặc thù càng làm người công nhân không thể theo đuổi các lớp học cố định. Phải có một hình thức GD mềm dẻo nào đó. Đào tạo từ xa là cách thích hợp nhất. Khác với đào tạo từ xa qua đường bưu điện, truyền hình, hay Internet, đào tạo từ xa qua sóng phát thanh là hình thức học mang tính quần chúng hơn, ít tốn kém hơn, và ít lệ thuộc vào thời gian hơn. Nếu không theo dõi được đúng giờ phát sóng, người học có thể thu âm lại bài giảng, để có thể nghe lại nhiều lần, mà không nhất thiết phải đến lớp.
Sở GD&ĐT Đồng Nai sẽ dạy từ xa một số môn theo chương trình Bổ túc THPT qua sóng đài phát thanh (Vǎn, Sử, Địa, Sinh, GDCD). Các môn Toán, Lý, Hoá học tập trung trên lớp một ngày trong tuần, chủ yếu là các tiết bài tập. Chương trình bắt đầu thực hiện từ lớp 10, được phát theo kiểu cuốn chiếu. Một số học viên có thể theo học từng môn, khi nào hoàn thành đủ chương trình thì có thể thi tốt nghiệp, giống như kiểu học theo tín chỉ.
Tuy nhiên việc triển khai trong thực tế đã có vướng mắc. Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó trưởng phòng GDTX, Sở GD&ĐT Đồng Nai cho biết: "Đa số các công ty, xí nghiệp mà chúng tôi đặt vấn đề rất tán thành, song khi thực hiện thì vướng mắc cơ chế. Vẫn chưa có một biện pháp hành chính nào để khuyến khích công nhân đi học. Các doanh nghiệp sợ ảnh hưởng nǎng suất. Và dù tán thành về mặt ý tưởng, họ vẫn chỉ khuyến khích công nhân tự giác đi học theo kiểu tự phát".
Nghịch lý ở chỗ, những công ty 100% vốn nước ngoài lại mạnh tay hơn so với các công ty, xí nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nước ngoài tài trợ hoàn toàn học phí cho công nhân, họ khuyến khích tinh thần tự học bằng cách hỗ trợ mỗi học viên công nhân 3.500 đồng (gồm một suất cơm chiều và 500 đồng tiền... gửi xe) cho mỗi buổi học. Có doanh nghiệp nhà nước than phiền họ không có cơ chế nào để "tung tiền" ra như thế. Đã có ý kiến đề nghị rằng nên sử dụng một phần "lương tháng 13" để cắt kinh phí cho bổ túc vǎn hoá luôn. Nhưng làm thế lại đụng chạm trực tiếp đến lương thưởng của công nhân, bị kiện "tung nóc" như chơi.
Kinh phí thường xuyên cho đề án này bao gồm tiền đứng lớp của GV dạy 3 môn Toán, Lý, Hoá. Chi phí ra đề thi, coi thi, chấm thi, nhập điểm, vǎn phòng phẩm... theo quy định. Nhưng đến nay, Đồng Nai vẫn chưa thể xác định một hình thức thu phí chung, mà phải uyển chuyển tuỳ theo từng công ty xí nghiệp: Hoặc người học nộp toàn bộ học phí, hoặc công ty đóng toàn bộ cho người lao động (thế thì tuyệt quá), hoặc mỗi bên một nửa.
Báo Giáo dục Thời đại - (24/09/2003)
|