Phát triển loại hình đào tạo từ xa , tạo cơ hội học tập cho nhiều người, nâng cao trình độ dân trí ở những vùng sâu, xa là chủ đề cuộc hội thảo quốc gia do Viện đại học mở Hà Nội phối hợp với Trung tâm UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
"Hiện nay, khi điều kiện kinh tế và mức sống đã nâng cao thì nhu cầu được học tập, đào tạo và đào tạo lại, nâng cao dân trí của nhiều người gia tăng mạnh mẽ. Những áp lực trên đây phần nào tạo nên sự bất cập, quá tải của hệ thống giáo dục, đặc biệt là ở hệ đại học và THCN. Việc tăng ngân sách Nhà nước đã đầu tư mở rộng nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc xã hội hoá giáo dục phải là điều tất yếu.
Ðể thực hiện việc xã hội hoá này, hàng loạt nước phát triển đã và đang áp dụng hệ thống giáo dục mở cùng với việc thành lập các viện đại học đào tạo từ xa. Mô hình đại học mở có nhiều hình thức học khác nhau nhưng hình thức chủ yếu nhất là đào tạo từ xa. Hiện nay, Viện đại học mở HN đã xây dựng được 8 chuyên ngành học từ xa như: kinh tế, luật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, du lịch... Chúng tôi cũng đã phối hợp với đài THVN, đài phát thanh TNVN thực hiện các chương trình giáo dục từ xa nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, mở rộng hiểu biết trên nhiều lĩnh vực khác nhau cho những người có nhu cầu ở các vùng sâu, xa".
"Năm 1998 tại Pháp chúng tôi có tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về giáo dục đại học với sự tham dự 500 đại biểu, 1500 bộ trưởng, thứ trưởng của các nước. đây là hội nghị lớn nhất trong lịch sử do UNESCO tổ chức. Tuyên bố của Hội nghị giáo dục đại học thế giới nêu lên rằng giáo dục đại học phải tiếp cận với mọi người trên cơ sở chính đáng, không có sự phân biệt mà còn tạo cho người học sự lựa chọn tối đa, có nhiều điểm vào và điểm ra trong hệ thống. điều đó có nghĩa là giáo dục đại học phải được đại chúng hoá, đa dạng hoá thông qua một hệ thống năng động và mở cửa.
Có 5 nước ở Châu Á thực hiện tốt chính sách đại chúng hóa giáo dục, phát triển nhanh nhờ các trường tư thục đó là Triều Tiên, Ðài Loan, Philippines, Nhật Bản và Thái Lan. Tại đây, Chính phủ tập trung nguồn ngân sách hạn hẹp vào việc xây dựng những trường đại học quốc gia trọng điểm, đóng vai trò trụ cột trong hệ thống giáo dục, còn các trường tư thục, giáo dục mở, giáo dục từ xa nhằm nâng cao dân trí. Các cơ sở đào tạo mở và từ xa ở một số nước Châu Á không chỉ là sự phát triển giáo dục đại học về số lượng mà còn đóng vai trò cách mạng trong tiến trình điều chỉnh hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng nhờ vào tính linh hoạt và hợp lý trong việc tạo ra và điều chỉnh những chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Số trường có chương trình đào tạo qua mạng ngày càng tăng dần lên ở các nước Châu Á như Đại Học Quốc gia Singapore, trường Đại Học đa phương diện Malaysia và chương trình quốc gia giáo dục mở và từ xa của Chính phủ Trung Quốc".
"Có một vấn đề nhức nhối của giáo dục đại học hiện nay là chất lượng của hệ đào tạo tại chức còn rất thấp. Theo chúng tôi nguyên nhân chính của tình trạng trên do chúng ta chưa xác định rõ hệ đào tạo này được thực hiện theo hình thức giáo dục truyền thống hay giáo dục từ xa. Theo tôi nếu học sinh học hệ này theo phương thức giáo dục từ xa sẽ rất thuận lợi cho sinh viên tập trung học trong khoảng thời gian ngắn. Tính chất của giáo dục từ xa thường thiết kế không có những qui định bắt buộc, do đó nó có khả năng thích ứng cao phù hợp với hệ đào tạo không tập trung. Có nhiều người ở những điều kiện khác nhau đều được dự học, do đó lớp học có thể thu nhận số lượng học viên lớn. Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều quản lý hệ tại chức giữa kiểu giáo dục truyền thống và từ xa nên dẫn đến chất lượng thấp".
"Giáo dục từ xa là một bộ phận không tách rời của giáo dục Trung Quốc, hình thức đào tạo này được bắt đầu từ việc sử dụng các thiết bị học tập là tiếng, băng hình ở một số cơ sở đào tạo từ năm 1960. Ðến nay, đài truyền hình TW Trung Quốc, các tỉnh, thành phố đều có các kênh phục vụ đào tạo từ xa. Mục tiêu phát triển giáo dục từ xa của Trung Quốc gắn chặt chẽ với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.
Do Trung Quốc có sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng nên Chính phủ có kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin theo 3 cấp khác nhau, dựa trên kế hoạch tổng thể. Mức thứ nhất là đưa công nghệ vi tính vào trường phổ thông, lấy công nghệ multimedia làm nòng cốt. Mức thứ hai nối mạng vi tính và các thiết bị liên quan tại các cơ sở đào tạo. Mức thứ ba nối mạng và cung cấp các hệ thống thiết bị cần thiết để phát triển giáo dục từ xa trên phạm vi rộng, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội. Theo kế hoạch, trong vòng 2 - 3 năm khoảng 80% trường PTCS, tiểu học và các cơ sở đào tạo ở mọi cấp độ khác nhau sẽ được trang bị thiết bị kỹ thuật để nhận sóng trực tiếp, 4 - 5 trung tâm tư liệu nguồn sẽ xây dựng ở mỗi tỉnh... Với một kế hoạch tổng thể như vậy, giáo dục từ xa của Trung Quốc thực sự đáp ứng được nhu cầu học rộng rãi của người dân".
Vietnam tourism - (12/09/2003)
|