Today: 12 Jul 2004
  Trang chủ | Giới thiệu | Định vị | Góp ý | Giúp đỡ | English

Giáo dục - Đào tạo
Định hướng chiến lược Giáo dục đào tạo 2001-2010
Phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn
Đào tạo từ xa
Các chương trình khuyến học
Tin tức
Chào mừng đến Việt Nam
Kinh tế
Chính phủ quản lý
Hợp tác Quốc tế
Khoa học - Công nghệ - Môi trường
Phát triển xã hội
Website phục vụ phát triển
TỶ GIÁ GIAO DỊCH
DIỄN ĐÀN
HỎI/ĐÁP
Hà Nội 24 - 34 oC
Huế 22 - 33 oC
Đà Nẵng 24 - 34 oC
Hồ Chí Minh 24 - 34 oC
Đào tạo từ xa

Đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị

Lần đầu tiên chương trình Samsung DigitAll Hope với chủ đề "Hãy sống với ước mơ của bạn" được triển khai tại tám quốc gia Australia, Ấn Độ, Singapore, Thái-lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam với mức tài trợ lên đến 600.000 USD. Dự án "Phát triển mạng lưới tin học đào tạo từ xa cho người khiếm thị" của Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai TP Hồ Chí Minh do sinh viên Đặng Hoài Phúc, 21 tuổi, chủ trì là một trong hai dự án của Việt Nam dược trao giải.

Tuổi thơ gian nan

Chiều, vùng quê yên ả của cậu bé Phúc - ấp Phước Lộc, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - vẫn thường rộn ràng tiếng cười đùa của đám trẻ con trong xóm. Bỗng một tiếng nổ lớn xé toạc không gian và tiếng hét của cậu bé Phúc vang lên! Cậu bé lớp 4 ấy đang loay hoay đào cây mai để tặng người bạn cùng xóm thì quả mìn dưới gốc mai nổ tung, cướp đi đôi mắt của Phúc. Hơn hai tháng chữa trị tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh nhưng Phúc mãi mãi không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.

Phúc bảo: "Mình không mặc cảm, lúc ấy chỉ có cảm giác khó chịu thôi, hằng ngày con đường mình đi vẫn dễ dàng, bây giờ sao đi đâu cũng vấp, làm gì cũng khó khăn". Khi xuất viện về quê, chiều chiều lại thấy cậu ngồi mò mẫm dán diều hay theo đám bạn đi khắp các cánh đồng tìm bắt dế đá. "Mình không thấy nhưng nghe tiếng dế gáy ở đâu rồi chỉ cho bạn bắt giùm. Nhiều lần chạy trên đồng sụp hố điếng hồn mà vẫn không sợ"- Phúc là một cậu bé lạc quan.

Được gửi lên CLB Bừng Sáng tại TP Hồ Chí Minh để học chữ, học nhạc, cậu bé Phúc mới 10 tuổi đã bắt đầu cuộc sống xa gia đình, xa vòng tay yêu thương của mẹ. Môi trường mới, nơi mà vài chục con người cùng hoàn cảnh sống chung một mái nhà, có chung một nội quy sinh hoạt... Phúc học hết lớp 5 tại CLB Bừng Sáng, "xuyên qua" cả cấp II, cấp III và vào đại học (hiện là sinh viên khoa Anh văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh). "Để học được, bạn bè thầy cô phải rất vất vả phiên dịch cho mình, mình phải cố gắng để xứng đáng"- Phúc tâm sự.

Chuyện học ở giảng đường đại học đỡ vất vả hơn khi Phúc được tiếp cận với vi tính. Rồi phần mềm hỗ trợ đọc màn hình cho người khiếm thị (Jaws), phần mềm soạn thảo văn bản tiếng Việt cho người khiếm thị (NĐC) đã hỗ trợ Phúc trong việc tiếp cận với giáo trình, kiến thức rộng lớn trên mạng Internet...

Và tuổi 21 với dự án táo bạo

Hai năm tham gia dự án Bừng Sáng, được tiếp cận với công nghệ thông tin có hệ thống, Phúc nhận ra "mình được quá nhiều" từ máy vi tính. "Chỉ cần ngồi một chỗ nhưng mình biết được cả thế giới, đó là điều thú vị giúp người khiếm thị hòa nhập cuộc sống xung quanh" - Phúc nói. Lướt trên mạng, Phúc biết Trường Hadley School của Mỹ cũng có những chương trình đào tạo từ xa, trong đó có cả đào tạo cho người khiếm thị. Ấp ủ ước mơ đem công nghệ thông tin đến những người đồng cảnh ở tỉnh lẻ, Phúc đã mạnh dạn đưa ý tưởng "đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị" cho Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai (thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hồ Chí Minh, nơi Phúc đang làm việc) làm chủ dự án. "Tuy còn hiếm hoi nhưng chỉ có người khiếm thị ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội mới có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin. Ở những tỉnh lẻ, tìm một người khiếm thị học hết lớp 9 đã khó khăn nói chi đến việc tiếp cận công nghệ thông tin" - từ lập luận này của Phúc mà Trung tâm Sao Mai đã triển khai bước đầu của dự án đào tạo bốn trợ giảng là người khiếm thị cho bốn tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, An Giang.

"Hội đồng giám khảo khu vực đã đánh giá cao dự án này của Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai", ông Nguyễn Văn Đạo - phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina - cho biết. Và chương trình Samsung DigitAll Hope đã quyết định tài trợ 40.475 USD cho dự án của Phúc, anh xúc động: "Vậy là ít nhất người khiếm thị ở bốn tỉnh triển khai dự án sẽ được hỗ trợ cuộc sống bằng chính công nghệ thông tin". Dạy cho người khiếm thị có khó khăn? "Hãy để người khiếm thị tự mò mẫm khám phá tất cả bề ngoài của chiếc máy vi tính, sau đó mình sẽ hướng dẫn theo phương pháp tiếp cận của người khiếm thị là âm thanh. Người khiếm thị hướng dẫn người khiếm thị sẽ dễ dàng hơn, còn người sáng mắt sẽ giúp chúng tôi học cao hơn nữa để quay lại giúp các bạn cùng cảnh"- Phúc cười vui .

Dự án sẽ mở bốn phòng máy (16 máy vi tính) tại bốn tỉnh và kết nối Internet, đứng lớp trực tiếp là bốn trợ giảng vừa được trung tâm đào tạo. Phúc đang ráo riết cùng những thầy giáo của trung tâm soạn giáo trình bằng phần mềm điện tử, chữ nổi Braille, băng đĩa hướng dẫn bằng lời thật chi tiết. Giáo viên phụ trách của trung tâm sẽ trao đổi, trả lời thắc mắc của các tỉnh bằng diễn đàn trên mạng. Chương trình đào tạo cho các học viên kéo dài tám tháng, hai tháng tập trung học viên về trung tâm hoặc giáo viên xuống các tỉnh để kiểm tra một lần... Phúc bảo, mình không ước gì cho riêng mình mà chỉ mơ một ngày nào đó người khiếm thị khắp các tỉnh đều được tiếp cận công nghệ thông tin.

Nhân Dân - (03/09/2003)


More

Trang chủ  |   Giới thiệu  |   Định vị  |   Phản hồi  |   Giúp đỡ

Số lượt truy cập: 136677 © Copyright 2003 Vietnam Country Gateway, All right Reserved, Legal & Privacy Notices.
E-mail: vncgteam@vnn.vn  —   Tel: 84-04-5372770