Chủ trương giảm tải ở bậc tiểu học đã được thực hiện đến đâu ở các địa phương, nhất là những địa phương còn nhiều khó khăn? Đó là vấn đề khiến cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT và vụ chức năng hết sức quan tâm. Vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ do Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai dẫn đầu đã về Lạng Sơn, dự giờ một số lớp học thực hiện chương trình - SGK mới ở cả vùng thuận lợi, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn của địa phương này để giải đáp cho điều đó.
Điều quyết định vẫn là ở phương pháp
Dự giờ tại bốn lớp: hai lớp 2 và hai lớp 4 trường tiểu học Cai Kinh- Huyện Hữu Lũng, tuy là một trường vùng hai còn nhiều khó khăn với 342 học sinh, 10 lớp ở trường chính và 8 lớp ở điểm trường nhưng phương pháp giảng dạy của giáo viên và khả năng tiếp thu của học sinh đã đem lại nhiều bất ngờ cho đoàn kiểm tra. Mặc dù có rất nhiều “quan khách” ngồi ở bên dưới nhưng giáo viên lên lớp với một phong thái hết sức tự tin. Giờ học diễn ra tương đối nhẹ nhàng nhưng không kém phần sôi nổi. Bài học Chia một số cho một tích của môn Toán ở chương trình lớp 4 là một bài toán phức tạp mà HS lớp 4 mới được làm quen nhưng giáo viên là cô Lăng Thị Mai Hường đã biết truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách dễ hiểu hơn so với nội dung kiến thức bài học.
Cô Nguyễn Sinh Tự- Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của nhà trường cho biết: Chương trình vẫn còn một số lượng kiến thức hơi nhiều so với khả năng tiếp thu của học sinh vùng II và vùng III do đó giáo viên mắc nhiều về thời gian, thường tiết học hay bị kéo dài so với thời gian quy định, nhất là ở những bài khó. ở môn Tiếng Việt cũng còn một số bài yêu cầu cao so với khả năng của học sinh vùng dân tộc vì thiếu tính thực tế đối với các em. Ví dụ yêu cầu học sinh lớp ba viết một bức thư cho người bạn quen nhau qua sách báo là một bài tương đối “đánh đố” học sinh ở đây vì các em ít được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, cũng không dễ hình dung ra một người bạn quen nhau qua thư từ, sách báo như thế nào. Môi trường sống và bạn bè của các em thường là cùng lớp, cùng trường, cũng là cùng một bản làng, thôn xóm...
Tuy nhiên, cũng theo cô Tự, những bài học như vậy là rất ít, giáo viên có thể bằng mọi cách khắc phục bằng sự sáng tạo và cách gợi mở của mình. Còn lại hầu hết lượng kiến thức là phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Tuy nhiên, đó là ở vùng thuận lợi, khó khăn lớn nhất gặp phải khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới đó là ở những điểm trường lẻ, lớp lẻ. Trường tiểu học Cai Kinh có 8 điểm trường thì khó khăn lớn nhất vẫn là ở hai điểm trường Đá Đỏ và Đoàn Kết. Tại đây, học sinh đi học phải qua một con sông, chính vì vậy vào những ngày mưa lũ, các điểm trường này phải “ngừng hoạt động”. Hết mưa, hết lũ, thầy trò lại phải vắt chân lên cổ để học đuổi kịp chương trình. Chính những khó khăn khách quan ấy cũng đã làm cho chương trình dù không quá tải cũng trở nên quá tải bởi học sinh phải học dồn, học đuổi cho kịp chương trình, kịp thời gian năm học.
Quá tải do nhồi nhét
Bà Lê Thị Hoà- Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn
Việc quá tải xảy ra là do nhiều nguyên nhân. Về nội dung sách giáo khoa chỉ có một số bài khó. Tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn ở phương pháp giảng dạy của giáo viên và nhận thức, cách hiểu chưa chính thức thế nào là quá tải và phải giảm tải như thế nào. Hầu hết đều chưa định lượng được như thế nào là phù hợp với học sinh, và định lượng được yêu cầu về lượng kiến thức đối với một giờ học. Đáng lo ngại nhất vẫn là ở các phân trường, đặc biệt là lớp lẻ. Một mình GV ở một nơi hẻo lánh, không có điều kiện trao đổi thông tin, kinh nghiệm với động nghiệp do đó rất khó trong việc thực hiện các chủ trương mới của ngành.
Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra một phương án sáng suốt, hợp lý về vấn đề giảm tải. Chúng tôi xin đề nghị rằng khi chỉ đạo, Bộ nên có khung chứng để chỉ đạo về nguyên tắc. Bên cạnh đó cần có phần mềm linh hoạt để tuỳ từng điều kiện cụ thể mà mỗi địa phương áp dụng một cách làm phù hợp.
|
Tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ- một trường điểm nằm ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn lại đang chuẩn bị xin công nhận trường Chuẩn quốc gia giai đoạn hai thì thực tế diễn ra khác một chút.
Với một cơ sở vật chất với diện tích gần 14 ngàn mét vuông, có sân chơi, bãi tập, khu lớp học, khu bán trú riêng biệt, trường có đầy đủ phòng chức năng, 100% bàn ghế, bảng... đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
Tuy nhiên, không phải ở vùng thuận lợi với điều kiện dạy và học thuận lợi là không có vấn đề gì đáng bàn. Bởi sự quá tải xảy ra ở đây lại chính là cách dạy nhồi nhét cho học sinh. Giờ học Luyện từ của môn Tiếng Việt lớp 2, cô giáo H.T.L tỏ ra là một giáo viên vững vàng và có kinh nghiệm trong nghề, cô cũng khá thấm nhuần về sự đổi mới phương pháp giảng dạy... Học sinh ở đây cũng như ở nhiều khu vực thành thị khác, việc tiếp thu kiến thức dễ dàng. Tuy nhiên, cũng lại giống như khu vực thành thị khác, giáo viên bị sa vào việc tham nhồi nhét, bắt học sinh làm việc quá nhiều. ở bài tập ghép câu, trong sách giáo khoa yêu cầu học sinh ghép tối đa là 3 câu với những từ, cụm từ cho sẵn thì giáo viên ở đây yêu cầu học sinh: Mỗi em ghép ít nhất là... 5 câu. Và từ lúc đưa ra yêu cầu đến lúc kết thúc thời gian làm bài, cô liên tục giục: “Làm nhanh lên các em”... Chỉ với những điều nho nhỏ đó thôi cũng khiến cho giờ học trở nên khá căng thẳng. Bên cạnh đó, mặc dù văn bản của Bộ ngay từ đầu năm học này đã quy định: Đối với HS được học 2 buổi/ngày không giao bài tập về nhà, nhưng giáo viên ở đây dường như vẫn chưa “thấm nhuần” chỉ đạo đó. GV vẫn yêu cầu học sinh phải học bài trước cho giờ học hôm sau rồi kết thúc giờ học lại dặn học sinh về nhà ôn lại bài đã học.
Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai sau khi dự giờ cũng nhận xét: Mỗi ngày chỉ cần thêm một chút, một chút như thế thôi là sẽ trở thành nặng nề đối với học sinh. Việc khắc sâu kiến thức cho học sinh là cần thiết nhưng không nên khắc sâu bằng cách đưa ra quá nhiều lý thuyết mà để giúp kiến thức sách vở thành kiến thức thực tế của học sinh thì giáo viên cần phải liên hệ với thực tế xung quanh học sinh. Ví dụ, ở giờ học về ý chí và nghị lực của môn Tiếng Việt lớp 2, thay vì giáo viên đưa ra giảng giải, định nghĩa thế nào là ý chí, nghị lực thì chỉ cần giáo viên kể một câu chuyện về một tấm gương vượt khó, hoặc để cho học sinh tự liên hệ với bản thân. Đơn giản như: “Hôm nay trời rất rét, đang nằm ngủ trong chăn ấm nhưng sáng sớm em vẫn vùng dậy để đi học...Như thế sẽ khiến học sinh nhớ và hiểu sâu hơn rất nhiều...
Bên cạnh đó là điều kiện dạy học ở vùng khó, chưa cần nói đến trang thiết bị dạy học thì thời lượng học của học sinh nơi này còn quá ít so với khả năng tiếp thu (chậm) của các em. Ông Hồ Mạnh Hưng- Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn cũng khẳng định: Chương trình mới sẽ thực sự phát huy hết hiệu quả và học sinh học sẽ nhẹ nhàng hơn nếu được học hai buổi/ngày.
Tuy nhiên, Lạng Sơn cũng mới chỉ thực hiện việc học 2 buổi/ngày ở vùng thuận lợi, thống kê năm học 2004 - 2005 cho thấy mới có 20.111/70.912 HS được học 2 buổi/ngày.
Vùng đặc biệt khó khăn- Quá tải về mọi thứ
Thực hiện đổi mới chương trình GD phổ thông, chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học của Lạng Sơn đã có chuyển biến rõ nét. Theo tổng kết năm học 2004-2005, chất lượng GD khối lớp 1,2,3 (đã thay sách) cao hơn so với chất lượng của khối lớp 4,5 (chưa thay sách). Cụ thể, tỷ lệ HS giỏi của khối lớp 1,2,3 là 32,9%, tỷ lệ HS khá là 38% thì ở khối lớp 4,5 tỷ lệ này là 14,6% và 33,1%.
Kết quả này đã chứng minh tính ưu việt của chương trình- SGK mới.
|
Trường TH Bảo Lâm – huyện Cao Lộc là một trường nằm ở xã đặc biệt khó khăn, thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, thầy trò nơi đây đều khẳng định: Chương trình mới có rất nhiều ưu điểm so với chương trình cũ, học sinh chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, môn Toán và Tiếng Việt là hai môn giáo viên thường bị “cháy giáo án” vì thời gian thường kéo dài hơn so với quy định. Nguyên nhân là do GV chưa thực sự quen với phương pháp giảng dạy mới và khả năng tiếp thu của HS rất chậm. Cô Chu Thị Diệu Thi, một GV dạy lớp 4 của trường cho biết: Do ở đây hầu hết là học sinh dân tộc lại chưa được học qua mẫu giáo nên khả năng nói tiếng Việt của các em rất kém. Tuy đã lên tới lớp 4 nhưng nhiều khi để giảng bài cho HS dễ hiểu hơn, GV phải sử dụng đến chính thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của các em đó là tiếng dân tộc. Lúng túng nhất là phân môn Tập làm văn, thậm chí có bài văn học sinh còn dùng xen kẽ cả tiếng dân tộc để miêu tả hoặc diễn tả vì các em không thể sử dụng tiếng Việt. Không chỉ có vậy, kỹ năng nói và khả năng trình bày, kể chuyện... trước lớp của các em cũng rất kém.
Dự giờ hai tiết Tiếng Việt và Toán của trường TH Bảo Lâm mới thấy rõ cái sự quá tải ở nơi này. Theo quy định thời gian mỗi tiết học là 35 phút mà một giờ học ở đây kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Thời gian càng thấy lê thê hơn khi 1 giờ đồng hồ đó hầu như chỉ có một mình người giáo viên “độc diễn” trên bục giảng. Có thể nói nếu giờ học nào cũng diễn ra như vậy và kéo dài hết ngày này sang tháng khác thì sự lao động của giáo viên cũng là quá tải. Tuy nhiên sự cố gắng và vất vả ấy lại không đem hiệu quả như mong muốn, bởi cô và trò nơi đây đã không “gặp nhau”. Cô liên tục đọc, liên tục viết lên bảng còn học trò ở dưới lại chẳng tiếp thu được bao nhiêu kiến thức, trong khi lẽ ra thời gian đó GV phải dành cho HS nói, HS làm việc. Cuối giờ học khi Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai lên kiểm tra lại kiến thức vừa học thì chỉ có duy nhất hai HS ngồi bàn đầu tiên đưa ra kết quả đúng.
Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai nhấn mạnh: Không thể yêu cầu học sinh ở vùng III phải học với một cường độ nhanh như ở vùng II hoặc vùng III. Năm nay Bộ GD-ĐT đã đổi mới cách phân phối chương trình. Có nghĩa là GV sẽ không phải “nhắm mắt” dạy theo qui định của Bộ từng tiết một mà không cần biết là HS có học được hay không. HS tiếp thu từ mức trung bình trở lên thì theo phân phối chương trình HS yếu kém có thể dạy chậm lại một chút ở giai đoạn đầu đến khi nào theo kịp các bạn thì tốt, nếu không thì học đến đâu là chắc đến đó, ít nhất cũng phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Nếu bài quá khó, GV có thể chia ra hai tiết và dạy chậm lại. Và, với chủ trương đó thì những người làm công tác quản lý cấp trường cũng phải “cởi trói” để GV có thể tự chủ dạy phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
Ông Hoàng Văn Thắng- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cao Lộc cũng khẳng định: Đổi mới phương pháp dạy học ở vùng III còn nhiều khó khăn vì GV ở đây chuyển đổi rất chậm. Những năm đầu thay sách do thiếu GV nên huyện phải huy động GV 9+3, 4+3... để dạy chương trình mới, đến nay tình hình đã được cải thiện hơn vì 100% GV đã được đào tạo để nâng chuẩn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học thiếu thốn cũng là rào cản không nhỏ đối với hiệu quả của đổi mới bởi việc tiếp thu kiến thức của học sinh sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thắng, việc giảm tải đối với HS ở vùng III là hết sức cần thiết nhưng tâm lý chung của cán bộ quản lý và GV ở các địa phương là khi chưa có hướng dẫn chính thức của Bộ thì chưa dám làm. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất là Bộ có hướng dẫn bằng văn bản để địa phương dễ dàng thực hiện hơn.
Báo Giáo dục - Thời đại - (27/12/2005)
|