22 năm qua, nếp nhà nhỏ của cô giáo Dương Thị Tuyết Mai vẫn gối mé đường Hồ Chí Minh, đoạn ĐaKrông – Tà Rụt. Trước mặt là núi Vôi, sau lưng là con sông Trại Cá.
Cô giáo Tuyết quê ngoài Quảng Bình, ở huyện Quảng Ninh. Năm 1983, tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Đông Hà (tỉnh Bình – Trị – Thiên cũ) cô xách chiếc rương gỗ tạp lên miền ngược Đa Krông.
Dằng dặc 22 năm cô “đóng đô” dạy ở bản Vôi, xã Tà Long, và học trò của cô theo như cô dí dỏm là “nhiều hơn cây cỏ trên núi Vôi hết lớp này đến lớp khác cứ quanh năm xanh tốt với mây ngàn”.
Nhiều học trò của cô hiện đang đảm nhiệm những chức vụ chủ chốt của xã Tà Long như Trưởng Công an xã Hồ Văn Diên, Trưởng bản Vôi Hồ La Lợi.
Cô kể: Cầm quyết định lên Trường Tiểu học Tà Long (nay là Trường PTCS Tà Long), sau chặng đường dài băng rừng lội suối bã người mới đến nơi.
Đập vào mắt cô là lớp học, phòng dành cho giáo viên ở rặt một thứ tranh tre nứa lá xập xệ tơi tả. Đám học trò lèo tèo dăm đứa, nom bơ phờ nhếch nhác. Cô thấy lòng mình như thắt lại.
Đêm đầu tiên ngủ giữa chốn đèo heo hút gió nghe tiếng nai tác văng vẳng khiến nỗi nhớ nhà dâng đến nghẹt thở. Cô ôm chặt Lan mà khóc (chả là “bộ tam” Trần Thị Lan, Hồ Ngọc Dũng và cô cùng đợt đầu quân mạn ngược ĐaKrông. Ba năm sau, thầy Dũng cô Lan chuyển về xuôi công tác).
Sáng ra, cả ba lặn lội cuốc bộ tận từng nhà vận động cha mẹ các em cũng như nhân dân quanh vùng vào rừng đốn tre chặt nứa phên lợp lại phòng học, chống mưa gió. Bàn ghế cho thầy lẫn trò thì vô rừng thu gom những tấm bìa mà người ta đốn gỗ vứt lại đem về đẽo đóng.
Thiếu học trò thì kiên trì nhẫn nại bất luận ngày hay đêm tìm đến từng bản, từng nhà, vận động để các em được cắp sách đến trường. Một lần chưa được, không nản. Năm đó có 40 em đến lớp.
Hỏi cô giáo Tuyết những kỷ niệm của ròng rã 22 năm trời làm nghề gieo chữ nơi chốn rẻo cao “khỉ ho cò gáy” này, cô cười: “Mần răng nhớ hết nổi, nhưng cái ni thì neo đậu mãi trong lòng”. Ấy là hồi tháng 11/1984, trận lũ quét kinh hoàng bất thần ập tới khi cô đang đứng lớp. May mà cô trò thoát kịp.
Nguy hiểm qua đi, quay trở lại thì ôi thôi, phòng trò học, nhà thầy ở lẫn toàn bộ bàn ghế, đồ đạc bị cuốn theo dòng nước đục ngầu hung tợn. Quần áo, giấy tờ sổ sách nằm trong chiếc rương đóng bằng thứ gỗ tạp theo chân cô nhiều năm ròng cũng chả còn.
Xót nhất là 21 trang giáo án vẫn còn tươi rói màu mực Cửu Long cô vừa soạn tối qua… Đám học trò thương cô giáo trẻ quá, chúng nài nỉ mời cô về nhà chúng ở tạm…
Đấy là chuyện của một thời quá vãng, còn giờ thì khá hơn nhiều. Phòng trò học, nhà thầy ở đã khang trang tươm tất. Bản Vôi, nơi cô giáo Tuyết “trụ trì” 22 năm (và còn tiếp nữa), giờ đây có 5 lớp, 105 em theo học.
Trên đường dài 45 cây số ra Quốc lộ 9 xuôi về thị xã Đông Hà, văng vẳng đâu đây tiếng đọc bài của các em học sinh Pa Kô, Vân Kiều dưới tán rừng Trường Sơn.
Trời chớm rét mà chúng tôi thấy lòng mình ấm lạ bởi ân tình hạt chữ của những thầy cô giáo đang cần mẫn gieo ươm trong khát vọng mai này cuộc sống mới nở hoa trên những bản làng dân tộc xa xôi giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Báo Tiền phong - (15/12/2005)
|