Today: 4 Jan 2006
  Trang chủ | Giới thiệu | Định vị | Góp ý | Giúp đỡ | English

Giáo dục - Đào tạo
Định hướng chiến lược Giáo dục đào tạo 2001-2010
Phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn
Đào tạo từ xa
Các chương trình khuyến học
Tin tức
Chào mừng đến Việt Nam
Kinh tế
Chính phủ quản lý
Hợp tác Quốc tế
Khoa học - Công nghệ - Môi trường
Phát triển xã hội
Website phục vụ phát triển
TỶ GIÁ GIAO DỊCH
DIỄN ĐÀN
HỎI/ĐÁP
Hà Nội 14 - 24 oC
Huế 18 - 23 oC
Đà Nẵng 19 - 27 oC
Hồ Chí Minh 22 - 32 oC
Phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn

Người Hiệu trưởng 29 tuổi của học sinh người Mông

Vượt cây cầu khỉ cheo leo qua dòng Nậm Nơn, Trưởng bản P.Lỏm Xồng Bá Hờ cho tôi hay: "P.Lỏm mang ơn thầy giáo Cương. Người Mông chúng tôi sáng cái bụng, tỏ con chữ là nhờ công lao của thầy". Vị trưởng bản chưa tròn 30 tuổi hứng khởi nói về người hiệu trưởng trẻ nhất huyện biên giới Tương Dương.

Ngày đó, tuổi 21, tốt nghiệp Sư phạm Nghệ An, Lô Văn Cương đã được bố lo cho đến dạy ở trường THCS của trung tâm huyện. Chuẩn bị khai giảng thì Cương gặp anh Nguyễn Cảnh Hà, trinh sát viên Đồn Biên phòng 551. Anh Hà nói với Cương: “Người Mông vùng biên còn khát chữ lắm thầy giáo trẻ ạ. 40 km và một ngày cuốc bộ đường rừng, Cương dám vào với dân không?”.

Cương không phải không muốn một tương lai ổn định và sáng sủa, nhưng lời nói của anh Hà và những đứa trẻ Mông ở cái bản xa tít vùng biên giới cứ ám ảnh anh. Thế là, sáng 5/9/1996, anh vác balô vào P.Lỏm và không dám ngoảnh lại sau lưng vì sợ nước mắt mế nhòe gian bếp.

Một mình với trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, balô nặng trĩu sách giáo khoa và giấy bút mua bằng tiền túi và nắm cơm mế nấu, đùm muối, Cương mang ủng, quấn xà cạp quá đầu gối, leo dốc, lội suối, luồn rừng vào bản P.Lỏm. Hai tháng quần quật cùng trai bản và các anh bộ đội biên phòng khai phá vùng đất chằng chịt cây dại và cỏ tranh dựng lên ngôi trường mới. Thế là ý tưởng xóa trắng phổ cập vùng biên đã được "đổ nền".

Không một lần về nhà trong hai năm, không đòi hỏi gì cho bản thân, Cương chỉ xin trợ cấp nhiều sách vở cho học sinh. Phòng Giáo dục huyện Tương Dương vui mừng khi đã có người dám trụ lại với P.Lỏm bởi trước đây, phân công bao giáo viên về đây đều không ai nhận. Cương là giáo viên duy nhất và cũng là khối trưởng của ngôi trường 1 tuổi.

Vừa làm thầy, vừa làm trò, kiêm bếp trưởng

Chỉ hai lần quăng dao nữa là sang Mường Voọc đất Lào, P.Lỏm như một lòng chảo được dãy Trường Sơn hùng vĩ bao bọc. Người Mông ở đây không hề biết tiếng Kinh. Trở ngại lớn nhất của Cương chính là việc bất đồng ngôn ngữ. Lần đầu tiên quấn xà cạp chống ruồi vàng băng rừng vào với bà con, một tiếng thổ ngữ Mông bẻ tư Cương cũng không biết.

Nhưng mình vào đây để dạy học mà biết ít tiếng Mông thì khác gì đứa trẻ không biết nói, Cương quyết tâm học bằng được. Anh cắp cặp đến nhà trưởng bản, lê la cùng bọn trẻ học tiếng Mông. Quyển sổ dày cộp vàng ố mà Cương gọi là “bửu bối gõ đầu trẻ” thật đặc biệt không giống với bất kỳ giáo án nào trên thế giới. Những hình vẽ minh họa, chữ Mông, chữ Thái, chữ quốc ngữ dày đặc. Quyển giáo án bằng 3 thứ ngữ này đã theo anh suốt 5 năm đầu đứng lớp.

Dạy trò không biết tiếng Kinh khó gấp trăm lần bình thường. Đầu tiên, phải biết tiếng Mông, dịch sang tiếng Kinh cho trò hiểu rồi mới tập đọc, tập viết. “Bây giờ thì thầy Cương là con của bản này rồi. Nó hát được cả những bài ca cổ của người Mông. Nó lại dạy bọn trẻ nói tiếng phổ thông. Nó bảo phải biết tiếng Kinh để nếu được đi thi học sinh giỏi, xuống phố, bị lạc còn biết hỏi đường mà về bản”. Già làng Xồng Chi Xò tự hào khoe.

Hiệu trưởng tuổi 29: Tổng phụ trách đội + Chiến sĩ chống tảo hôn

9h sáng, tiếng trống thể dục của thầy Cương lại gióng lên giòn giã vang khắp góc rừng biên giới. 100 học sinh thực hiện các động tác đều tăm tắp. Nhưng để có được một đội hình chuẩn như thế, anh đã phải vật lộn giữa những trưa nắng hè 39-40oC, đánh trống, ra hiệu lệnh, tập mẫu, dàn hàng với đám trò tay chân chỉ quen đi rẫy, lấy củi, săn thú mà vụng về với các động tác đồng diễn.

Tiếng hô 1, 2 ... đi đều, quay phải, quay trái... hào sảng như đã quen tai với bà con P.Lỏm bao năm nay. Cương giới thiệu hai cô học trò hát hay học giỏi của mình bằng tiết mục múa “Ê tề noọng” (Chào khách quý). Hờ Y Phua, Lỳ Y Rùa học sinh lớp 3A, học sinh tiên tiến 3 năm nay và hè này được theo anh về quê Bác dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ. “Không thể vì thiếu thốn mà sao nhãng hoạt động đội, hoạt động văn thể của các em. Không đủ giáo viên thì mình phải phụ trách hết, trường phải ra trường, lớp phải ra lớp. Mình còn trẻ, còn làm được nhiều việc nữa”, Cương tự nhủ như vậy.

Ở P.Lỏm, người Mông vẫn còn duy trì nạn tảo hôn. Con gái 13, 14 tuổi đã phải lấy chồng, sinh 5, 6 đứa con, làm quần quật cả ngày. Nếu lúc nhỏ không được đến trường thì suốt đời không nói được tiếng Kinh chứ nói chi đến đọc, viết. Chiến sĩ thi đua ngành Giáo dục, Hiệu trưởng, Tổng phụ trách Lô Văn Cương đã bao năm nay tuyên truyền xóa bỏ nạn tảo hôn. Anh không để cho học trò của mình bỏ học giữa chừng để đi lấy chồng. Tỉ lệ bỏ học của P.Lỏm rất ít, thật là một điều kỳ diệu.

Hai cô bé Phua, Rùa lúc nào cũng quấn quýt bên thầy. Hỏi chuyện, hai đứa nói hùng hồn: “Không lấy chồng sớm đâu. Thầy Cương nói phải học lên đại học, về thay thầy tiếp tục dạy ở đây”.

Tấm giấy khen của Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình nằm “bình đẳng” trong dãy những bằng khen, giấy công nhận chiến sĩ thi đua của thầy hiệu trưởng 29 tuổi

Báo Công an Nhân Dân - (29/11/2005)


More

Trang chủ  |   Giới thiệu  |   Định vị  |   Phản hồi  |   Giúp đỡ

Số lượt truy cập: 1634121 © Copyright 2003 Vietnam Development Gateway, All right Reserved, Legal & Privacy Notices.
E-mail: vncgteam@vnn.vn  —   Tel: 84-4-8532313