Today: 4 Jan 2006
  Trang chủ | Giới thiệu | Định vị | Góp ý | Giúp đỡ | English

Giáo dục - Đào tạo
Định hướng chiến lược Giáo dục đào tạo 2001-2010
Phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn
Đào tạo từ xa
Các chương trình khuyến học
Tin tức
Chào mừng đến Việt Nam
Kinh tế
Chính phủ quản lý
Hợp tác Quốc tế
Khoa học - Công nghệ - Môi trường
Phát triển xã hội
Website phục vụ phát triển
TỶ GIÁ GIAO DỊCH
DIỄN ĐÀN
HỎI/ĐÁP
Hà Nội 14 - 24 oC
Huế 18 - 23 oC
Đà Nẵng 19 - 27 oC
Hồ Chí Minh 22 - 32 oC
Phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn

Giáo viên vùng lũ

Về vùng sâu ngập lũ dạy học, xa nhà, xa tiện nghi đô thị với trăm bề thiếu thốn là thử thách đầu tiên khi những thầy - cô giáo trẻ vừa rời mái trường sư phạm. Nhưng rồi họ vẫn bám trụ, vẫn ở lại lặng thầm gieo từng con chữ cho từng lớp thế hệ của đồng đất một nắng hai sương này...

Đến và bám trụ... 
Trường THCS Phú Lợi (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) có 2 khu tập thể dành cho giáo viên (GV) xa nhà. Căn phòng GV dạy toán Nguyễn Thành cùng đồng nghiệp Lê Quang Minh... tá túc chỉ vỏn vẹn khoảng 9m2. Một chiếc giường, cái bàn, chiếc ghế đã choán hết không gian. May là căn phòng bé tí, chật chội, nhưng có tới 2 cửa sổ đón gió trời.

Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hồng cho biết: "Một khu tận dụng trạm y tế cũ, khu kia trước đây là một cái kho!". Cả hai đều đã xuống cấp. Buổi tối, tiếng ễnh ương oàm oạp từ cái ao phía trước vọng lên, nao nao buồn.

Nguyễn Thành kể: "Em ra trường về đây 2 năm rồi. Lương trên 800.000 đồng, gói ghém cũng đủ, nhưng buồn nhất là buổi tối... ".

Có thể nói, đêm xuống nếu không soạn giáo án, không dán mắt vào chiếc T.V do Phòng GDĐT huyện... ủng hộ, 10 thầy - cô giáo trẻ ở tập thể chẳng còn biết làm gì.

GV môn văn Nguyễn Thị Huệ - quê ở xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) - đã 4 năm làm cô giáo ở ngôi trường vùng sâu này. Huệ nói: "Bây giờ đỡ rồi, lúc mới về đây nhớ nhà lắm. Tuần nào em cũng về thăm má!".

Còn khu tập thể của Trường THCS Tân Mỹ (cũng thuộc huyện Thanh Bình) khá rộng rãi, nhưng cất tạm từ năm 1993 nên đã xuống cấp khá nặng. Lương Thị Thuỷ dạy môn văn, quê tận Thanh Hoá - chỉ lên tấm nylon nói: "Nhà dột. Mưa, tụi em dồn lại... cố thủ ở chỗ có mái che này".

Là... con của phụ huynh!
Thầy Trần Chí Hiền (Hiệu trưởng Trường THCS Tân Mỹ) cho biết: Mấy năm học sau này, nơi ăn chốn ở của GV đã khá hơn nhiều rồi. Trước đây, nhiều GV xa nhà về vùng sâu dạy học... được phụ huynh rước về nhà ở. Ấy cho nên mới có câu nói vui GV "là thầy của con, là... con của phụ huynh!".

Một số trường ở các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự..., phụ huynh hoặc chính quyền địa phương cất tạm nhà tranh mái lá để GV tá túc. Năm đầu tiên dạy học, khi mùa lũ nước ngập, đường lầy lội, hết giờ lên lớp, nhiều cô giáo trẻ ngồi bó gối nhìn nước mênh mông, buồn đến phát khóc.

Chỉ tay về phía đồng nghiệp Nguyễn Thị Diễm (dạy môn tiếng Anh), cô giáo Nguyễn Thị Huệ nói tiếp: "Em biết bơi còn đỡ, nhỏ Diễm không biết bơi, nhiều bữa đi xuồng run lắm". Nhưng rồi bao mùa lũ đi qua, đã có rất nhiều những Huệ, những Diễm vẫn gắn bó với những ngôi trường vùng sâu, trở thành "mẹ" của đám học trò đi học bằng xuồng.

Chủ tịch Công đoàn GD huyện Thanh Bình Trần Thị Phỉ rất vui kể lại rằng, đã có không ít gia đình GV khi thầy - cô giáo xa nhà... phải lòng nhau. Vẫn còn những "mái ấm GV" là căn phòng tập thể. Nhưng một vài năm trở lại đây, từ Quỹ cất nhà tình thương của tổ chức Công đoàn Đồng Tháp và các nguồn khác, đã có 22 gia đình GV ở Thanh Bình được cất nhà tình thương. Một số GV khác được cấp đất, vay vốn cất nhà trên cụm - tuyến dân cư như bà con vùng lũ.

Cặp vợ chồng GV Bùi Văn Cải - Trần Thị Tuyết (Trường Tiểu học Tân Mỹ 1, Thanh Bình) bám trụ ở đất này đã lâu, chỉ với hai đầu lương GV. Sau giờ dạy, Cải cũng đi chài cá như nông dân... chính hiệu! Làm lụng tất bật sau giờ lên lớp, được xét vay vốn, bây giờ cặp vợ chồng GV này đã có nền nhà, có 5 công đất ruộng...

Chỉ riêng huyện Thanh Bình, trong số gần 530 GV cấp THCS hiện vẫn còn khoảng 30% là thầy - cô giáo từ các địa phương khác đến. Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Bình Đinh Văn Cạng nhớ lại: "Vậy mà rất ít thầy - cô giáo bỏ cuộc trước thời hạn". Để GV xa nhà yên tâm, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng hơn, mấy năm qua, ngành GDĐT Đồng Tháp đã chủ trương cất nhà công vụ. Trước đây đó là những dãy nhà còn tuềnh toàng, song sau này là nhà tường, mà mỗi nhà (gồm nhiều phòng) trị giá hàng trăm triệu đồng.

Tại huyện Thanh Bình, đã 3 trường ở Tân Quới, Tân Hoà, Tân Thạnh có nhà công vụ như thế. Khó khăn về vật chất của đội ngũ GV xa nhà về vùng lũ dạy học đang ngày càng được cải thiện, nhưng đời sống tinh thần của anh chị em vẫn còn một "khoảng trống" cách xa so với chốn thị thành!  

Báo Lao Động - (17/11/2005)


More

Trang chủ  |   Giới thiệu  |   Định vị  |   Phản hồi  |   Giúp đỡ

Số lượt truy cập: 1634119 © Copyright 2003 Vietnam Development Gateway, All right Reserved, Legal & Privacy Notices.
E-mail: vncgteam@vnn.vn  —   Tel: 84-4-8532313