Today: 17 Jan 2006
  Trang chủ | Giới thiệu | Định vị | Góp ý | Giúp đỡ | English

Giáo dục - Đào tạo
Định hướng chiến lược Giáo dục đào tạo 2001-2010
Phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn
Đào tạo từ xa
Các chương trình khuyến học
Tin tức
Chào mừng đến Việt Nam
Kinh tế
Chính phủ quản lý
Hợp tác Quốc tế
Khoa học - Công nghệ - Môi trường
Phát triển xã hội
Website phục vụ phát triển
TỶ GIÁ GIAO DỊCH
DIỄN ĐÀN
HỎI/ĐÁP
Hà Nội 11 - 16 oC
Huế 15 - 21 oC
Đà Nẵng 17 - 23 oC
Hồ Chí Minh 21 - 29 oC
Phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn

Niềm hy vọng của giáo dục vùng cao Quảng Nam

Chủ trương phát hành công trái giáo dục của Chính phủ đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của nhân dân. Nguồn vốn sẽ này đầu tư cho các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và các vùng còn nhiều khó khăn để kiên cố hóa trường học, xóa lớp học ca 3, phòng học tranh tre nứa lá, cải thiện đáng kể điều kiện dạy và học cho thầy và trò ở những địa phương này. Đó cũng là niềm hy vọng của giáo dục vùng cao Quảng Nam.

Chúng tôi đến huyện Hiên tỉnh Quảng Nam sau khi huyện triển khai cuộc vận động mua công trái giáo dục. Gặp tôi tại Kho bạc huyện, ông Nguyễn Thành - Trưởng phòng giáo dục - đào tạo huyện Hiên cho biết cán bộ giáo viên huyện ông vừa mua hơn 28 triệu đồng công trái giáo dục, chiếm 50% toàn huyện. Bắt tay tôi thật chặt, ông nói trong tiếng cười rất tươi: "Không vui sao được khi chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và nhà nước được cụ thể hóa bằng cách phát hành công trái. Ai cũng phấn khởi. Có tiền, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm trường lớp, sẽ có nhiều trẻ em được đến trường, sẽ không còn những phòng học tạm bợ nữa. Thầy cô giáo cũng sẽ có chỗ ở đàng hoàng để yên tâm ở lại với vùng cao".

Ông là người có trên 20 năm gắn bó với ngành giáo dục huyện Hiên, từng dạy học ở xã Ch’ Ơm, phải đi bộ 2 ngày từ trung tâm huyện mới đến trường. Những năm tháng cùng ăn cùng ở với đồng bào, cõng từng con chữ lên non cho con em dân tộc Cơ tu, ông hiểu thế nào là nỗi khát khao được đi học của con em đồng bào dân tộc vùng cao. Với 21 xã thị trấn, trong đó 19 xã nằm trong chương trình 135, gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ tu, Hiên được xem là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam. Những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục.

Toàn huyện có 19 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở có ghép bậc tiểu học, 1 Trường Nội trú dân tộc, và 3 Trường trung học cơ sở bán trú cụm xã tại Jơ Ngây, A xan và BhLêê đủ chỗ học tập cho hơn 10.000 học sinh các cấp. Đội ngũ hơn 560 cán bộ giáo viên đã đáp ứng được nhu cầu giảng dạy của ngành. Đến nay, huyện không còn bản trắng về giáo dục. Năm 1998, huyện đã được công nhận xóa mù chữ - phổ cập tiểu học. Tuy nhiên, huyện Hiên vẫn còn 56 phòng học tạm vách ván lợp tole, 6 phòng học tranh tre nứa lá, chủ yếu là ở 8 xã vùng sâu giáp biên giới Việt - Lào như A Tiêng, Tr’ Hy, Ch’ Ơm, A Nông, Ga Ri, A Xan...cần phải đầu tư xây dựng lại.

Theo chỉ tiêu, các Trường trung học cơ sở bán trú cụm xã chỉ được tiếp nhận 200 học sinh, mỗi học sinh được hưởng phụ cấp của tỉnh 70.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, vì nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc Cơ tu, nhà trường phải thu nhận thêm học sinh ngoài kế hoạch. Vì vậy, một số trường đã quá tải như Trường trung học cơ sở bán trú cụm xã Jơ Ngây( vượt 200 học sinh); Có nơi học sinh trung học cơ sở phải học chung với học sinh tiểu học.

Trong 3 Trường trung học cơ sở bán trú cụm xã thì mới chỉ Jơ Ngây có nhà ở cho học sinh và giáo viên, còn các trường khác, học sinh phải tự tìm nhà dân trọ học, giáo viên thì ở nhà tạm do nhân dân làm cho... Tình trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học của học sinh. Vì đường sá xa xôi, nhà nghèo, không có chế độ của nhà nước phụ cấp, nhiều học sinh đã bỏ học sau vài tháng cắp sách vào lớp 6. Ngành học mầm non dường như còn bỏ ngỏ. Toàn huyện mới có thị trấn Prao và xã Ba có trường mẫu giáo. Vì vậy, việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp chỉ đạt 25%, trẻ trong độ tuổi tiểu học ra lớp đạt 70%, tỉ lệ học sinh trung học cơ sở bỏ học 40%.

Chủ trương phát hành công trái giáo dục nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển giáo dục ở miền núi, Tây Nguyên và những vùng khó khăn đã được toàn xã hội nhiệt tình hưởng ứng. Ông A Lăng Yếu - một phụ huynh học sinh ở thị trấn Prao vì nhà ít tiền, chỉ mua 100.000 đồng thôi nhưng A Lăng Yếu vui lắm, vì bây giờ thì Đảng và Nhà nước quan tâm cho giáo dục miền núi rồi, con cái đồng bào Cơ tu có cái chỗ để học đàng hoàng rồi.

Ngành giáo dục huyện Hiên có kế hoạch kiên cố hóa 57 phòng học tạm, tiếp tục xây dựng 52 phòng ở cho giáo viên để đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt trước mắt cho học sinh các xã vùng sâu giáp với biên giới Việt - Lào. Trong tương lai, huyện sẽ phát triển hệ thống trường lớp mẫu giáo đều khắp các xã để huy động hết số trẻ 5 tuổi đến trường, xây dựng thêm 4 Trường trung học cơ sở bán trú cụm xã với tổng cộng hơn 60 phòng gồm phòng học, nhà hiệu bộ, phòng ở cho học sinh và giáo viên... để đáp ứng nhu cầu phát triển của bậc học này.

Mặt khác, ngành cũng cần được đầu tư để nâng cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cắm bản là người dân tộc Cờ tu... thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí cho đồng bào vùng sâu vùng xa, tiến tới phổ cập trung học cơ sở trên toàn huyện vào năm 2007.

Nguồn vốn huy động từ công trái giáo dục là nguồn vốn nghĩa tình thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục đất nước. Ngành giáo dục huyện Hiên nói riêng và các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam nói chung đang đặt nhiều hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn khi có sự đầu tư kinh phí của nhà nước.

Báo Thanh niên - (20/02/2004)


More

Trang chủ  |   Giới thiệu  |   Định vị  |   Phản hồi  |   Giúp đỡ

Số lượt truy cập: 1675408 © Copyright 2003 Vietnam Development Gateway, All right Reserved, Legal & Privacy Notices.
E-mail: vncgteam@vnn.vn  —   Tel: 84-4-8532313