Theo PGS, TS Đặng Quốc Bảo, Trường Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, chất lượng giáo dục phải được nhận diện từ trạng thái của cả nền giáo dục trong tương quan với phát triển kinh tế - xã hội và trạng thái của nhân cách ít nhất qua ba mặt: kiến thức, kỹ năng, thái độ công dân trong tương quan với sức lao động mà nền kinh tế, xã hội đang yêu cầu.
Chất lượng giáo dục còn phải được nhận diện trong mối quan hệ giữa cái nó đang có và những điều kiện tạo nên nó. Căn cứ vào các báo cáo phát triển con người mà UNDP (chương trình phát triển của LHQ) công bố, Báo cáo phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới ấn hành tại Việt Nam 2003 thì thành tựu giáo dục Việt Nam là khả quan qua hai tiêu chí: Số người lao động biết chữ và số dân trong độ tuổi 6-24 đi học tiểu học, trung học, các loại hình sau trung học, đại học.
Năm 2001, Việt Nam có số người biết chữ đạt 92,7%, số người đi học 6 - 24 ở các bậc, cấp học đạt 64%. Với thành tựu này, chỉ số phát triển giáo dục của Việt Nam đạt 0,84. Nước ta ở trạng thái nhịp bước với Thái-lan, Malaysia, vượt hơn Indonesia (0,79), Myanmar (0,75); ta còn thua Philippines (0,90). Nếu so sánh về kinh tế qua chỉ số thu nhập quốc dân bằng sức mua tương đương cho đầu người thì Malaysia gấp Việt Nam 3,8 lần, Thái-lan gấp Việt Nam ba lần. Chi cho giáo dục từ GDP tính theo đầu dân, Malaysia chi gấp bốn lần và Thái-lan chi gấp 5,8 lần hơn ta.
Báo Nhân Dân - (21/07/2004)
|