Môi trường ô nhiễm dẫn đến tình trạng tôm chết, cá chết tràn lan đang làm đau đầu các ngành chức năng và nhiều hộ nuôi thủy sản. Đã đến lúc phải tính lại chuyện nuôi tôm – cá theo hướng vừa đảm bảo chất lượng, đáp ứng sự khắt khe của thị trường xuất khẩu, vừa giữ môi trường lâu bền.
Nói tới chuyện nuôi tôm sinh thái, lâm ngư trường (LNT) 184, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là nơi đi đầu. Tuy nhiên, theo Giám đốc Ngô Dũng Liêm, chuyện “con tôm sạch” về bám rễ dưới tán rừng Năm Căn thật tình cờ. Cách đây khoảng 5 năm, Bộ Thủy sản có đưa một đoàn khách từ các nước châu Âu đến LNT 184 tham quan khu du lịch sinh thái.
Chuyện “khách Tây” ăn uống ở các nhà hàng “đầy sao” là thường ngày, thế nên LNT 184 bèn nghĩ ra cách đãi cơm đạm bạc giữa rừng Năm Căn, có tiếng chim kêu, khỉ làm xiếc, gió đưa cây rừng xào xạc… với các món ăn đều là sản vật của rừng như tôm, cá, cua… khiến ai nấy đều khen ngon.
Trong đoàn hôm đó, có một số vị khách là người Thụy Sĩ, họ đặc biệt chú ý những con tôm luộc vừa ngon – vừa đậm đà hơn những nơi khác. Cán bộ LNT, chẳng biết giải thích thế nào, chỉ thú nhận tôm dưới tán rừng sống nhờ tự nhiên, không ăn thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh...
Mấy tháng sau, Tổ chức Naturland và SIPPO (Thụy Sĩ), quay trở lại khảo sát tình hình rừng ngập mặn, nuôi tôm quảng canh, tác động môi trường… rồi sau đó cấp giấy chứng nhận “tôm sạch” cho LNT 184 và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá tăng thêm 20% so với giá thị trường.
Giám đốc Ngô Dũng Liêm hớn hở: “Từ khi được công nhận nuôi tôm sạch, chúng tôi đã vỡ ra nhiều điều hay lắm. Toàn bộ 6.475 ha rừng được thả tôm sinh thái với quy trình quản lý chặt chẽ, thức ăn cho tôm chỉ là chất hữu cơ, ấu trùng… Năng suất đạt thấp (khoảng 300 – 500 kg/ha) nhưng giá bán cao, đã mang lại cho LNT mỗi năm khoảng 1,5 triệu USD”.
Từ thành công của LNT 184, Sở Thủy sản Cà Mau phát động phong trào nuôi tôm sạch. Từ vài ngàn ha tăng dần lên 45.000 ha trong năm nay và phấn đấu đạt 110.000 – 120.000 ha vào năm 2010. Ông Diệp Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau cho biết: “Cái lợi của tôm sạch là chi phí đầu tư thấp, nuôi thưa nên ít rủi ro, kéo giãn lịch thời vụ tránh tình trạng lúc thừa – lúc thiếu nguyên liệu. Đặc biệt, khắc phục được ô nhiễm môi trường”.
Cùng với tôm sạch, mô hình nuôi cá sạch đang được các nơi thử nghiệm. Tại An Giang, chị Nguyễn Thị Dung, ở cù lao Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên là người đầu tiên bỏ ra trên 1 tỷ đồng nuôi cá tra sinh thái. Cuối năm 2004, Công ty BinCa Seafood (Đức) chuyển giao kỹ thuật, quy trình nuôi và bao tiêu sản phẩm với giá 20.000 – 20.500 đồng/kg (cao gấp đôi so với cá nuôi bình thường).
Theo đó, toàn bộ quá trình nuôi không được sử dụng hóa chất, môi trường nước tốt, xa khu dân cư, nhà máy… Thức ăn phải là cám lúa mùa (không xịt thuốc), bánh dầu nhập từ Trung Quốc và bột cá biển loại tốt nhất. Với 3 quầng nuôi vừa thu hoạch trên 300 tấn cá, trừ chi phí còn lời 2.000 - 2.500 đồng/kg. Đây là mức lời rất cao trong nghề nuôi cá tra hiện nay.
Theo ông Phan Văn Danh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cá sinh thái ra đời đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại. Trước nhất, lấy lại vị thế của con cá ba sa, cá tra sau giai đoạn phát triển xô bồ đồng thời tạo ra hướng đi mới trong nghề nuôi cá tra, ba sa cao cấp hơn, loại bỏ cách làm ăn xổi ở thì…
Song song đó, An Giang còn thành lập Liên hiệp sản xuất cá sạch do Công ty Agifish khởi xướng. Mặc dù đây là mô hình thấp hơn so với nuôi sinh thái nhưng tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi. Ở đó có sự đồng thuận, nương tựa nhau cùng xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhìn nhận: “Trong điều kiện khắt khe của thị trường xuất khẩu hiện nay, mô hình nuôi tôm sạch - cá sạch là xu thế tất yếu để cạnh tranh và tồn tại. Điều đáng mừng là người dân và chính quyền địa phương đã và đang chuyển dần từ cách làm đại trà chạy theo số lượng, sang nuôi sạch chất lượng hơn”.
Hiện tại, các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ … đang triển khai mô hình nuôi tôm sạch, cá sạch. Tuy nhiên, việc nhân rộng đại trà gặp khó bởi quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung, hạn chế vốn, kỹ thuật… Đặc biệt, nuôi sinh thái không phải nơi nào cũng làm được.
Để phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng: Nên đi từng bước “chậm mà chắc”, theo đó cần liên kết những hộ sản xuất nhỏ lẻ thành hợp tác xã hoặc tổ hợp tác… có doanh nghiệp làm “đầu tàu” trong chuyển giao kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Vùng nuôi phải quy hoạch hợp lý, không nên làm tràn lan. Được vậy, người nuôi không còn lo sợ bị nhà máy ép giá, còn doanh nghiệp cũng không ngại việc thiếu nguyên liệu. Một khi sự hợp tác mạnh lên, mới tính chuyện nhân rộng theo nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Báo Sài Gòn giải phóng - (23/01/2006)
|