Theo Bộ Công nghiệp, năm 2005 Bình Dương dẫn đầu về tốc độ phát triển công nghiệp trong cả nước với giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng hơn 4 lần so với năm 2000.
Giá trị sản xuất công nghiệp hiện chiếm 64,5% trong cơ cấu GDP của tỉnh Bình Dương. Số lao động làm việc trong ngành nông nghiệp chỉ còn chiếm 25%.
Bình Dương đã phát huy cao độ mọi tiềm năng, lợi thế, tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, chú trọng phát triển các khu công nghiệp. Bình Dương là tỉnh đầu tiên xây dựng mô hình khu công nghiệp-dịch vụ-đô thị, gắn phát triển công nghiệp với phát triển dịch vụ và khu dân cư, tạo thuận lợi để phát triển công nghiệp một cách bền vững.
Ngoài Bình Dương, một số tỉnh cũng có tiến bộ nhanh trong nhanh trong phát triển công nghiệp. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có Tiền Giang, tuy tốc độ tăng trưởng bình quân 17,2%/năm, chưa phải cao nhất nhưng tỉnh có rất nhiều tiến bộ trong việc chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, đa dạng hoá công nghiệp chế biến, triển khai có hiệu quả các hoạt động khuyến công.
Ở miền Trung, Quảng Nam là một điển hình về việc tạo ra lợi thế trên một mảnh đất ít được thiên nhiên ưu đãi để thu hút đầu tư vào công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 của tỉnh này đã tăng gấp 3 lần năm 2000, đạt 3.215 tỷ đồng. Các Khu công nghiệp được triển khai có trọng điểm ở đây với môi trường đầu tư tốt, thu hút được nhiều dự án quy mô khá lớn trong nước và nước ngoài.
Trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình nổi lên như một điển hình phát triển công nghiệp từ một tỉnh thuần nông. Năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp Thái Bình đạt 3.258 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2000.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên - những địa bàn đặc biệt khó khăn trong phát triển công nghiệp - cũng có những tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong 5 năm qua như Yên Bái, Gia Laba. Giá trị sản xuất công nghiệp của Yên Bái tuy còn nhỏ bé nhưng tỉnh này đã biết khai thác thế mạnh nguồn nguyên liệu địa phương đế xuất khẩu và phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.
Gia Lai đã biết phát huy thế mạnh của Tây Nguyên để phát triển vùng nguyên liệu giấy, trồng bông, phát triển thuỷ điện và là một trong những tỉnh làm tốt công tác quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn.
Thông tấn xã Việt Nam - (12/01/2006)
|