Trong 17 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 (năm 1988), nông nghiệp Việt Nam đã tiến một bước dài ngoạn mục.
Là một đất nước có trên 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng trước năm 1988, Việt Nam luôn thiếu gạo phải nhập lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước. Chỉ 10 năm sau khi có Nghị quyết 10 (1997-1998), thu nhập của người nông dân đã tăng 12% mỗi năm, trong đó, 81% sản xuất nông nghiệp. Từ 1998 đến nay, thu nhập tăng trung bình 10% mỗi năm. Phát triển nông nghiệp nông thôn được coi là cơ sở để phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhờ những chính sách đúng đắn như giao quyền sử dụng đất cho nông dân, phát triển kinh tế nông hộ, tự do hóa thương mại, phát triển tín dụng nông thôn, khuyến nông... Giai đoạn 1990-1999, nông nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 4,5% mỗi năm. Thuỷ lợi, giống, công nghệ sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là những mối quan tâm lớn của nhà nước và người nông dân trong những năm gần đây nhằm chuyển hẳn từ nền sản xuất tự cấp sang nền sản xuất nông sản hàng hóa.
Không những đảm bảo đủ lương thực cho nhu cầu trong nước và dự trữ quốc gia, năm 1999, Việt Nam đã tái xuất khẩu gạo, với khối lượng 4,5 triệu tấn. Năm 2004 xuất 3,9 triệu tấn gạo. Trong 10 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất trên 4,6 triệu tấn, cao hơn kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 3,8-4 triệu tấn. Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.
Bên cạnh gạo, nhiều sản phẩm nông nghiệp cũng đã có vị trí đáng nể trên thị trường quốc tế như cà phê vối đứng thứ hai thế giới, điều đứng thứ tư, cao su, hạt tiêu, chè...
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn bước đầu đã có chuyển biến theo hướng đa ngành và đa canh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GDP.
Cả nước hiện có 12 triệu hộ sinh sống ở nông thôn, trong đó có gần 10 triệu hộ làm nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Cơ cấu giữa trồng trọt và chăn nuôi cũng đã có những thay đổi, giảm trồng trọt tăng dần chăn nuôi. Trồng trọt cũng đã có chuyển dịch theo hướng đa canh, tránh độc canh cây lương thực để tăng hiệu quả sử dụng đất. Vì vậy, mặc dù trong xu thế đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp để nhường cho các khu công nghiệp và đô thị phát triển, nhưng nông nghiệp vẫn ngày càng phát triển bền vững. Ngành chăn nuôi cũng đã chuyển hướng nuôi gia súc lấy thịt và sữa thay cho gia súc làm sức kéo như trước đây.
Nhiều mô hình nông thôn mới đã hình thành ở khu vực châu thổ sông Hồng. Nhiều làng nghề đã phát triển thành cụm công nghiệp. Nhiều nông dân trước đây chỉ biết trồng trọt trên đồng ruộng thì nay đã trở thành những người thợ, những người chủ doanh nghiệp nhỏ, những doanh nhân năng động. Đời sống người dân trong khu vực làng nghề và cả những khu vực lân cận được cải thiện đáng kể như làng gồm Bát Tràng, đồ gỗ Đồng Kỵ, vùng rau Gia Lộc, cây cảnh Mễ Sở, rau hoa Mê Linh-Đông Anh...
Những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi của Việt Nam đã vượt biên giới sang nước bạn Lào và một số nước châu Phi. Gần đây nhất 10 nông dân Việt Nam đầu tiên đã “xuất khẩu” sang Mỹ để làm nông nghiệp với mức lương tháng trên 2.000USD.
Thông tấn xã Việt Nam - (14/12/2005)
|