Bộ Công nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp 7 tỉnh biên giới Việt Nam-Trung Quốc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) đến năm 2010, tầm nhìn 2020.
Theo Quy hoạch này, tỉnh Điện Biên sẽ phát huy tiềm năng xây dựng các Nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến các sản phẩm nông-lâm nghiệp, gắn với hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh khai thác khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng và nông cụ phục vụ nhu cầu địa phương và từng bước xây dựng điểm công nghiệp tại trung tâm huyện Mường Nhé và khu vực cửa khẩu quốc gia Sín Thầu để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Trong khi đó, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung khai thác, chế biến quặng đất hiếm, quặng sắt, chì kẽm, xây dựng khu công nghiệp Mường So tại Phong Thổ để thu hút công nghiệp chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, cụm công nghiệp Lê Lợi-Nậm Hằng tại huyện Sìn Hồ và Mường Tè để thu hút sản xuất giấy, đá lợp, cơ khí nhỏ.
Tỉnh Lào Cai cũng tập trung khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông-lâm sản xuất khẩu và gia công các sản phẩm xuất khẩu sang Vân Nam (Trung Quốc).
Đối với tỉnh Lạng Sơn, ngoài việc tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm sản, tỉnh sẽ mở rộng công suất khai thác than và Nhà máy nhiệt điện Na Dương lên gấp đôi sau năm 2010 đồng thời khai thác và tuyển bôxit quy mô vừa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Riêng tỉnh Quảng Ninh, địa phương chiếm tới 85% giá trị sản xuất công nghiệp của 7 tỉnh biên giới, Bộ Công nghiệp đã đặt kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông-hải sản xuất khẩu sang Trung Quốc và gia công, bao gói các sản phẩm phục vụ xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái và phục vụ khách du lịch.
Thông tấn xã Việt Nam - (14/12/2005)
|