Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đang là một trong những mục tiêu quan trọng của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.
Mỗi khu công nghiệp ra đời sẽ là đầu mối quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tạo động lực lớn cho quá trình tiếp thu công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lao động phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh hàng xuất khẩu, thúc đẩy việc hình thành và phát triển các đô thị mới, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước...
Sau 10 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bên cạnh những thành tựu to lớn cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế và nhược điểm, cần được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết như: công tác quy hoạch phát triển khu công nghiệp, Cụm công nghiệp; xác định địa điểm, quy mô khu công nghiệp; mô hình quản lý các khu công nghiệp; vấn đề quản lý sau đầu tư, thực hiện cơ chế uỷ quyền; vấn đề quản lý môi trường trong các khu công nghiệp... Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh những vấn đề nói trên.
Hà Nội cần có mô hình quản lý phù hợp Ông Ngô Mạnh Hợp, Vụ trưởng Vụ công nghiệp, Văn phòng Chính phủ
“Xuất phát từ đặc điểm của Hà Nội là đất chật, giá trị đất cao, đặt ra vấn đề thu hút đầu tư công nghiệp như thế nào là vừa, nhất là chủ yếu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta phải tổng kết xem vốn đầu tư/ha đất khu công nghiệp có cao hơn bình quân của cả nước không (hiện bình quân của cả nước khoảng 2 - 2,3 triệu đ/m2), để sau này có hướng thu hút công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, hàm lượng lao động thấp (hiện có 2/11 dự án đầu tư).
Hiện nay có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề quản lý các khu công nghiệp, phân cấp hay uỷ quyền. Nếu phân cấp thì Chính phủ phân cấp cho các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Hiện có hai nơi đều cấp phép là UBND tỉnh, thành phố và ban quản lý các khu công nghiệp. Vì thế cũng cần bàn thêm xem tổ chức mô hình như hiện nay đã được chưa. ý kiến các ban quản lý khu công nghiệp ở nhiều địa phương cho rằng giữ mô hình như hiện nay là được (vẫn thuộc địa phương nhưng thực hiện sự uỷ quyền của các cơ quan trung ương).
Tôi nghĩ, mô hình này hơn hẳn mô hình của 18 cụm công nghiệp (cụm công nghiệp) hiện nay của Hà Nội. Trong các cụm công nghiệp ở Hà Nội có đến 4 mô hình quản lý, theo tôi là không ổn. Có thể nói đây là một bài học “xương máu” của các ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất ở Tp.HCM, có quyết định thành lập vào năm 1992, nhưng 8 tháng không hoạt động được vì không có quyền.
Khi đó Chính phủ đã đồng ý cấp giấy phép ủy quyền cho ban quản lý khu chế xuất (là mô hình đặc biệt, con dấu mang hình quốc huy). Nhưng trong quy định về công tác tổ chức chính quyền thì ban quản lý các khu công nghiệp lại không nằm trong hệ thống tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố.
Ban đầu ở Hà Nội, Chính phủ đã cho xây dựng thí điểm hai cụm công nghiệp (Vĩnh Tuy và Phú Thuỵ) và cho phép thực hiện theo Nghị định 36 (ban quản lý cụm công nghiệp). Đến nay Hà Nội đã có 18 cụm công nghiệp, trong đó 9 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Với đặc thù đất chật, nay xây dựng phân tán các cụm công nghiệp như thế này mà không gắn với quy hoạch của các đô thị, đặc biệt lại nằm ngay trong lòng thành phố Hà Nội, việc xử lý nước thải (môi trường) không rõ làm đến đâu (trừ khu công nghiệp Bắc Thăng Long).
Tôi cho rằng, yêu cầu đầu tiên khi xây dựng các cụm công nghiệp ở Hà Nội là phải đảm bảo môi trường, trong đó có việc xử lý nước thải công nghiệp. Để khắc phục tình trạng lo ngại phê duyệt các khu công nghiệp lâu (nhưng cũng không đến nỗi lâu quá), Hà Nội có thể đề nghị thực hiện theo cơ chế đặc thù. Theo đó, chỉ cần thông qua kế hoạch và đề nghị thực hiện theo quy chế 36.
Tôi nghĩ, Hà Nội nên có hội thảo chuyên đề về xây dựng và quản lý các cụm công nghiệp. Việc xây dựng và quản lý như thế nào.
Theo tôi, vẫn phải có một công ty về hạ tầng, công ty xây dựng chỉ xây dựng xong rồi còn sau này duy tu, bảo dưỡng, trồng cây xanh,... phải có đơn vị lo. Chúng ta phải tìm ra được mô hình phù hợp. Tôi thiên về hướng nên quy hoạch khu công nghiệp và xin Thủ tướng cho cơ chế đặc biệt và cho hưởng theo quy chế 36, coi nó như “em của 36”.
Giải pháp để phát triển khu công nghiệp TS. Nguyễn Văn Việt, Phó ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội
“Trình độ phát triển các khu công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm nói chung cũng như của Hà Nội nói riêng còn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thời kỳ mới. Hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp trên cùng một địa bàn cũng như giữa các địa bàn không đồng đều. Đặc biệt, Hà Nội chưa phát huy được hết lợi thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước, chưa khai thác đựơc thuận lợi từ các tuyến liên kết kinh tế với các địa bàn lân cận.
Nhiệm vụ cấp bách của Hà Nội trong thời gian tới là phải nhanh chóng khắc phục những yếu kém tồn tại, tận dụng được các lợi thế tự nhiên, kinh tế và chính trị sẵn có để đưa các khu công nghiệp phát triển đúng tầm của một thành phố trực thuộc trung ương, Thủ đô của cả nước.
Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và điều hành thực hiện quy hoạch và điều hành trực tiếp quy hoạch với quan điểm “triển khai thông thoáng nhưng đảm bảo chặt chẽ”. Cần tập trung giải quyết các vướng mắc để tiếp tục triển khai đối với các khu công nghiệp Nam Thăng Long, Daewoo – Hanel.
Trường hợp những khu công nghiệp không còn triển vọng phát triển, cần kiên quyết xem xét rút Giấy phép đầu tư (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hay Quyết định phê duyệt dự án (doanh nghiệp trong nước), hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Trong quá trình triển khai xây dựng khu công nghiệp, cần tuân thủ chặt chẽ quy hoạch gắn kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội một cách đồng bộ đồng thời tăng cường sự hợp tác, liên kết và thiết lập mạng lưới và quy hoạch phát triển các khu công nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tăng cường hiệu quả công tác thu hút đầu tư trong khu công nghiệp, chú trọng kết hợp giữa lấp đầy diện tích khu công nghiệp với nâng cao chất lượng dự án đầu tư vào khu công nghiệp.
Đối với khu công nghiệp Nội Bài đang tiếp tục vận động thu hút đầu tư cũng như các khu công nghiệp khác sắp tới sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản, từng bước chọn lọc và khuyến khích thu hút các dự án có điều kiện phát huy thế mạnh của địa bàn, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư lớn, trình độ công nghệ cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường thấp. Đảm bảo trang thiết bị đủ thông tin về các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho họ nhanh chóng đưa dự án vào triển khai, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để họ nhanh chóng đưa công trình vào vận hành.
Nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thực hiện đầu tư xây dựng có trọng điểm, sớm hoàn thành đồng bộ và huy động các công trình kết cấu hạ tầng bên trong và ngoài khu công nghiệp. Nâng cao hơn nữa tỷ trọng sử dụng đất công nghiệp trong khu công nghiệp, đồng thời tập trung vào các vấn đề khẩn trương giải quyết nhà ở cho công nhân và công nhân làm việc trong khu công nghiệp.
Hoàn thiện cơ chế và phương thức quản lý khu công nghiệp theo hướng tăng cường cơ chế “một cửa, tại chỗ” nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn với cơ quan Nhà nước ở trung ương nhằm tăng cường thống nhất giữa quản lý khu công nghiệp theo quy hoạch, cơ chế, chính sách chung cho khu công nghiệp. Tiếp tục đổi mới các mặt công tác quản lý Nhà nước về khu công nghiệp, khu chế xuất (khu chế xuất) đặc biệt là công tác quản lý và hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép kết hợp với việc hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan đến khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các doanh nghiệp đầu tư vào trong khu công nghiệp.
Ngoài ra, cơ chế các bộ, ngành uỷ quyền cho ban quản lý thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng cụ thể hoá, minh bạch hoá các quy hoạch, hướng dẫn để một mặt, tạo thuận lợi cho các ban quản lý trong quá trình thực hiện, mặt khác, đảm bảo được tình thống nhất quản lý trong khung khổ pháp luật, chính sách chung của cả nước.
Có biện pháp triệt để và mạnh mẽ trong việc xử lý môi trường, mang tính bắt buộc đối với các chủ đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp cũng như các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ trong doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng trên địa bàn thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng. Thường xuyên tiến hành phân tích, giám sát chất lượng môi trường tại các khu công nghiệp nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố về môi trường. Hình thành ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp khu công nghiệp về vấn đề môi trường đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp.
Tăng cường việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu cân đối giữa lao động địa phương và lao động nhập cư, từng bước tăng hàm lượng chất xám trong lao động, có kế hoạch về tái đào tạo nguồn nhân lực. Chính quyền thành phố cần hỗ trợ về kinh phí cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trong việc đào tạo nguồn lao động trong khu công nghiệp”.
Vai trò hạt nhân của các khu công nghiệp Hà Nội TS. Trần Ngọc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ quản lý khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
“Tính đến tháng 9/2005, trong tuyến hành lang kinh tế Hải Phòng (- Hà Nội (Hà Nội) - Lào Cai đã có 18 khu công nghiệp với tổng số diện tích đất tự nhiên 2.812 ha, trong đó Hà Nội có 6 khu công nghiệp (chiếm 33%). Các khu công nghiệp của Hà Nội đều được đặt trên hành lang của tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc) .
Đây là yếu tố rất quan trọng với vai trò là hạt nhân phát triển công nghiệp nói chung và khu công nghiệp nói riêng của tuyến hành lang kinh tế này.
Các khu công nghiệp Hà Nội được hội tụ nhiều thế mạnh trong việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, của các tập đoàn xuyên quốc gia đặc biệt các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tiên tiến.
Trong 6 khu công nghiệp của Hà Nội đã được thành lập, có 3 khu đã đi vào hoạt động, đến tháng 8/2005 đã thu hút 97 dự án đầu tư FDI (không tính 2 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, với vốn đầu tư 107 triệu USD), bằng 52% tổng số dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp tuyến hành lang kinh tế, với tổng vốn đầu tư 943 triệu USD, bằng 65,5% tổng vốn đầu tư của các dự án FDI vào các khu công nghiệp trong tuyến hành lang kinh tế. Suất bình quân đầu tư bình quân bằng 9,7 triệu USD/DA (bình quân các khu công nghiệp trong tuyến hành lang 5,6 triệu USD/DA).
Các khu công nghiệp Hà Nội góp phần tạo ra những năng lực sản xuất mới, ngành nghề mới và công nghệ mới, làm cho cơ cấu kinh tế của thành phố Hà Nội nói riêng và khu vực toàn tuyến hành lang kinh tế nói chung từng bước chuyển biến theo hướng một nền kinh tế công nghiệp hoá, thị trường, hiện đại. Các khu công nghiệp này nói chung đã phát triển các ngành công nghiệp hoàn toàn mới có hàm lượng vốn lớn, công nghệ cao như thiết bị văn phòng (Canon), điện tử (Orion -Hanel,...), phụ tùng ôtô, xe máy, vật liệu xây dựng, sản phẩm thép...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia những công nghệ đang sử dụng ở các dự án FDI trong các khu công nghiệp ở Hà Nội đều thuộc công nghệ hiện đại hơn công nghệ vốn có của nước ta, đa số đều là những dây chuyền tự động hoá, tương đối hiện đại. Một số sản phẩm điện tử, vi mạch,... được sản xuất bằng những công nghệ tiên tiến.
Các khu công nghiệp ở Hà Nội góp phần quan trọng vào mở rộng thị trường, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại và tăng kim ngạch xuất khẩu cho khu vực hành lang kinh tế. Do đa dạng hoá thị trường, đa phương hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, nên các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Hà Nội đã đẩy mạnh được xuất khẩu. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội trong 3 năm 2001- 2004 bình quân tăng 64,4%/năm, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chung của Hà Nội.
Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội còn góp phần làm thay đổi cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu nhập khẩu.
Các khu công nghiệp Hà Nội đã góp phần gia tăng khai thác nguồn nhân lực, giải quyết nhiều việc làm. Mới chỉ có 67 doanh nghiệp đi vào hoạt động, các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút gần 21.000 lao động (bằng 35% số lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn FDI tại Hà Nội), góp phần làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực kể cả lao động quản lý và kỹ năng lao động trực tiếp).
Các khu công nghiệp còn có tác dụng kích thích cạnh tranh, đổi mới và hoàn thiện môi trường kinh doanh của khu vực hành lang kinh tế. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội đóng vai trò kích thích việc cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính, nhất là thể chế tiền tệ và tín dụng, ngoại hối của thành phố Hà Nội nói riêng và cả khu vực hành lang kinh tế nói chung.
Các doanh nghiệp này cũng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt và cấu trúc mạng lưới thương mại hàng hoá và dịch vụ tuyến hành lang kinh tế, cơ cấu hệ thống hậu cần thương mại cũng như toàn bộ lĩnh vực phân phối, lưu thông và dịch vụ xã hội.
Các khu công nghiệp Hà Nội đã tạo điều kiện cho các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế hình thành phát triển các khu công nghiệp để phát huy thế mạnh của địa phương mình. Hình thành mối liên kết, hỗ trợ phát ttriển sản xuất cho các khu công nghiệp trong tuyến hành lang kinh tế”.
Nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp TS. Lê Đình Chi, Phó vụ trưởng Vụ kiến trúc quy hoạch, Bộ Xây dựng
“Nhà ở cho công nhân là vấn đề rất bức xúc, nổi cộm trong các khu công nghiệp, được rất nhiều giới quan tâm, từ các nhà lãnh đạo, quản lý đến giới truyền thông và người dân. Tôi xin có một số tham kiến trao đổi xung quanh vấn đề này liên quan đến vấn đề nhà ở cho người lao động.
Xin nhắc lại khuyến nghị đã có, mỗi dự án phát triển khu công nghiệp khi cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đồng thời nên phê duyệt luôn vấn đề nhà ở đi kèm. Đây là vấn đề rất nhân văn. Nhưng nếu nhìn kỹ, nhìn sâu thì chúng ta cũng phải thấy hai mặt của một vấn đề. Nếu mỗi một dự án, một nhà máy, một khu công nghiệp có một khu nhà ở cho công nhân ở đó thì giải quyết được vấn đề bức xúc hiện nay – vấn đề rất chính đáng.
Nhưng chúng ta phải nhìn sự phát triển của nó. Người công nhân hiện chỉ 18 – 20 tuổi, còn trẻ nhưng sau này họ có gia đình, sinh con, thì những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh của họ đều phải được đảm bảo một cách chính đáng gồm, nuôi dạy , học hành, chữa bệnh cho con cái, giải trí, văn hoá,... thì không thể bó hẹp trong một khu nhà ở như vậy, giải quyết theo quy mô nhỏ mà phải giải quyết một cách đồng bộ.
Chúng ta phải gắn khu nhà ở công nhân với khu ở của đô thị. Nhưng để làm được vấn đề này chúng ta phải quan tâm tới hai vấn đề.
Thứ nhất, phải giải quyết việc gắn kết này như thế nào. Gắn ở đây không có nghĩa là gắn cơ học (theo kiểu gắn liền) mà là sự nối kết hạ tầng cơ sở, giải quyết hệ thống giao thông công cộng và những phương tiện giao thông công cộng làm thế nào để rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại cho người công nhân, để từ khu ở mới đến khu làm việc có sự thuận tiện. Đó cũng là mong muốn chính của người trong cuộc chứ không phải chỉ giải quyết cho họ 6 m2/người để ở như hiện nay.
Thứ hai, trách nhiệm của các nhà đầu tư, hay nói cách khác doanh nghiệp phải gắn trách nhiệm của họ với phát triển đô thị, phát triển các khu ở đô thị. Đó là mô hình mà các doanh nghiệp của các khu công nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp và phát triển các nhà ở giá thấp, tạo cho những người lao động mới đến, những người đang tham gia lao động trong các khu công nghiệp có cơ hội có nhà ở”.
Phát triển khu công nghiệp trong tương lai Ông Lê Mạnh Cường, Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội
“Tôi xin cung cấp những ý kiến của các chuyên gia nước ngoài cũng như các chuyên gia trong nước đã suy nghĩ gì về phát triển công nghiệp của Hà Nội trong thời gian tới. Sự phát triển đô thị và phát triển công nghiệp có mối quan hệ rất hữu cơ. Hai lĩnh vực này tuy hai nhưng lại là một.
Vậy thì khi nghiên cứu phát triển đô thị, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch Hà Nội đến năm 2020 và xa hơn, vấn đề công nghiệp phải được đặt lên hàng đầu.
Tốc độ phát triển đô thị của chúng ta nhanh đến mức dường như không thể lường đón trước được. Đơn cử, những năm 60 Hà Nội có khu công nghiệp “Cao - Xà - Lá” (cao su, xà phòng, thuốc lá), thì đến nay nó đã nằm gọn trong đô thị và đang phải tính đến chuyện di chuyển.
Cụm công nghiệp Vĩnh Tuy mới đề xuất gần đây khoảng 5 - 6 năm, đến nay nó cũng đã nằm gọn trong đô thị. Ở các cửa ngõ của Hà Nội các tỉnh bạn cũng đang tập trung phát triển các khu công nghiệp như khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), khu công nghiệp Như Quỳnh (Hưng Yên), khu công nghiệp Tiền Phong (Vĩnh Phúc), khu công nghiệp Hoà Lạc (Hà Tây),... trong khi tổng diện tích của Hà Nội hiện là 921 km2, vậy làm sao chúng ta giải quyết được rất nhiều vấn đề đặt ra cho Hà Nội? Vì thế chúng ta phải tính đến sự phát triển bền vững. Cái được hôm nay mà lại tốt cho ngày mai, thế mới là bền vững.
Trong các đồ án quy hoạch do cơ quan chức năng Hà Nội hợp tác với chuyên gia các nước thì đều thấy Hà Nội cần phải mở rộng (cả về không gian đô thị, cả về không gian hành chính và đặc biệt về không gian công nghiệp - những hành lang công nghiệp (chứ không phải chỉ có một khu công nghiệp bọc bên cạnh lại là khu công nghiệp hoặc là một cụm nhà ở). Những hành lang công nghiệp đó phải dựa vào chiến lược phát triển kinh tế, không chỉ của Hà Nội mà phải là của cả vùng kinh tế trọng điểm sông Hồng và nay là vùng Thủ đô Hà Nội.
Chúng ta phải tính đến dân số Thủ đô không chỉ 2 - 2,5 triệu người như quy hoạch trước đây, để rồi đưa công nghiệp ra ven đô như hiện nay thì quả là không ổn. Sắp tới quy hoạch Hà Nội tính cho ranh giới khoảng 20.000 km2 (lớn gấp gần 2,5 lần Hà Nội hiện nay). Mở rộng như thế nào, mở rộng về đâu,... là vấn đề còn đang nghiên cứu.
Tương lai Hà Nội cần phát triển lên phía Bắc. Phải phát triển dựa vào hành lang 18 là hành lang mang tính chiến lược nối từ Vân Nam (Trung Quốc) - Lao Cai - Quốc lộ 2 - Nội Bài- Quốc lộ 18 - cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh). Công nghiệp nặng sẽ phát triển theo tuyến này.
Từng bước sẽ chuyển dần những loại hình công nghiệp đơn giản, không có hiệu quả cao sẽ từng bước chuyển đổi khỏi Hà Nội để khai thác tối đa tiềm năng vốn có của Thủ đô Hà Nội. Chúng ta đang chuẩn bị mở thêm quốc lộ 5 mới (cách QL5 cũ khoảng 1 - 5 km về phía Nam), nối Hải Phòng - vành đai 3 (đầu phía Bắc cầu Thanh Trì). Như vậy hai QL 18 và QL 5 là hành lang công nghiệp và đô thị hoàn chỉnh, phát triển mạnh (phía Bắc Hà Nội).
Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo hướng phát triển như trên đã được chuyên gia trong và ngoài nước chuẩn bị 2 năm nay và đã được sự ủng hộ của các bộ, Văn phòng Chính phủ và đang được hoàn thiện, xem xét quyết định trong thời gian tới”.
Thời báo Kinh tế Việt Nam - (06/12/2005)
|