15 năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục được mùa, tính bình quân tổng sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước trên dưới 1 triệu tấn. Và năm 2004 vừa qua, cả nước ta đã đạt được gần 30 triệu tấn lương thực, cái con số mà vào những năm 80 chúng ta không dám nghĩ tới.
Có ba nguyên nhân cơ bản làm cho nền nông nghiệp Việt Nam phát triển vững chắc, không những sớm giải quyết được vấn đề ăn cho toàn xã hội mà còn xuất khẩu trên dưới 4 triệu tấn gạo, tạo điều kiện quan trọng để phát triển các ngành kinh tế khác.
Đó là sự đổi mới liên tục cơ chế quản lý và chính sách khuyến nông, giải phóng ngày càng triệt để sức lao động sáng tạo của người nông dân. Đó còn là sự đầu tư to lớn của Nhà nước kết hợp nhân dân cùng làm, xây dựng tương đối đồng bộ hệ thống cơ sở và vật chất kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Trên cơ sở đó đưa mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, không những tăng nhanh năng suất cây trồng và vật nuôi mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh, chuyên canh và phát triển toàn diện, vững bền.
Điều rất đáng chú ý là mấy năm gần đây chúng ta ít quan tâm đến khối lượng nông sản thu được mà chuyển sang coi trọng tổng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích và lợi nhuận trong nông nghiệp. Phong trào xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng trên một hecta mỗi năm và phong trào thi đua mỗi hộ nông dân có doanh thu hàng năm 50 triệu đồng đang phát triển mạnh ở tất cả các vùng, rất thích hợp với cơ chế thị trường và đang tạo ra động lực mới cho nông dân làm giàu bằng con đường chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp với vùng sinh thái. Vùng ven biển thì áp dụng công thức một vụ tôm và 2 vụ lúa. Vùng đồng trũng vẫn thâm canh 2 vụ lúa nhưng kết hợp nuôi cá vào những tháng úng ngập, thậm chí có địa phương như tỉnh Thái Bình giành tới 15% đất sản xuất lúa kém hiệu quả để đào ao dưới nuôi cá, trên trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt ở những vùng có điều kiện làm vụ đông xen giữa 2 vụ lúa, bà con nông dân đã bố trí nhiều loại cây trồng cạn có giá trị xuất khẩu cao. Trong ngành chăn nuôi cũng vậy, việc nuôi lợn hướng nạc cho xuất khẩu và nuôi bò sữa đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế hơn trước.
Khi nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hoá hiện đại lại đặt ra yêu cầu rất mới cho công nghiệp và các ngành dịch vụ khác. Đó là yêu cầu chế biến nông sản nhằm làm tăng thêm giá trị và giúp cho việc bảo quản, vận chuyển lưu thông trên thị trường một cách thuận lợi. Hàng loạt nhà máy xát gạo, nhà máy đường, nhà máy thức ăn gia súc, nhà máy đông lạnh chế biến thịt sữa và thủy sản, nhà máy chế biến hoa quả, cao su, cà phê... ra đời làm sáng rõ dần đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp gắn chặt với công nghiệp và uyển chuyển gắn bó với thị trường. Đó là con đường làm chủ một nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển cùng các ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên, trên đường chúng ta đi, không phải lúc nào cũng chỉ có thuận lợi. Riêng năm nay – năm có tính chất quyết định hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001-1005, sản lượng lương thực có thể thiếu hụt do nạn hạn hán gay gắt kéo dài gây ra. Nhiều dòng sông hồ nước cạn kiệt, nhiều vùng ven biển xâm nhập sâu vào nội đồng 20-30 cây số, nhiều loại cây công nghiệp không có nước tưới giảm năng suất từ 30-50%, thậm chí có nơi bị cháy khô. Riêng khu vực cực nam Trung bộ diện tích cây trồng các loại có thể bị giảm tới 40-50%. Nhiều nơi gia súc thiếu cả nước uống và bệnh dịch gia cầm đã để lại hậu quả đòi hỏi phải có thời gian và tập trung vốn liếng cao mới có thể khắc phục được.
Kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, khi thiên tai diễn ra gay gắt nhất, chính là lúc chúng ta nhận ra rõ rệt khiếm khuyết và bất hợp lý trong các hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật. Ngành nông nghiệp và tất cả các địa phương cần kiểm tra đánh giá lại các công trình phục vụ nông nghiệp đang xuống cấp để có kế hoạch bổ cứu hoặc xây dựng thêm cho hoàn chỉnh. Vào vụ hạn hán thiếu nước, chúng ta càng phải mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thêm diện tích cây trồng cạn và áp dụng những phương pháp bảo vệ nguồn nước, xử dụng tiết kiệm mọi nguồn nước. Theo qui luật thời tiết khí hậu, nắng lắm thường hay mưa nhiều. Hơn thế, trái đất mà chúng ta đang sống với nhiều lý do khách quan và chủ quan, do con người gây ra, sẽ còn có nhiều biến cố phức tạp. Bây giờ chúng ta đang dồn sức chống hạn, đồng thời phải chuẩn bị ngay các phương án chống lũ bão để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Với chúng ta, bao giờ nông nghiệp cũng được coi là mặt trận hàng đầu. Tư tưởng chiến lược đó được thể hiện qua tổng lượng vốn đầu tư khá lớn của Nhà nước cho việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho nông nghiệp và nông thôn qua nhiều chính sách xã hội và đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở... Nhưng đi vào cụ thể vẫn thấy còn một số vấn đề cần được bàn thêm về nhận thức vai trò của nông nghiệp và những hoạt động đồng bộ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, do đất ít người đông, năng suất lao động còn thấp và do làm nông nghiệp lãi ít hoặc không có lãi nên nhìn chung đời sống của người nông dân được cải thiện chậm hơn so với một số lao động thuộc các thành phần kinh tế khác. Hãy nghiên cứu đề ra những chính sách hợp lý tác động vào khâu này để tạo thêm động lực mới cho nông nghiệp.
Với hơn 70% số dân làm nông nghiệp và sống ở nông thôn, nếu sản xuất phát triển chậm, sức mua của xã hội không thể tăng nhanh để kích thích công nghiệp và dịch vụ phát triển. Và nếu lao động nông nghiệp chưa được giải phóng triệt để qua quá trình dân chủ hoá và qua các chính sách đòn bẩy kinh tế thì chẳng những làm giảm nhiệt tình đầu tư thâm canh mà có khi còn làm phát sinh những hành vi tiêu cực phá hoại sản xuất, phá huỷ môi trường môi sinh... Hiện tượng nông dân ở một số địa phương trả bớt ruộng đất để đi làm việc khác rất đáng được quan tâm nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Website Đảng cộng sản Việt Nam - (07/04/2005)
|