Vấn đề nông nghiệp miền núi cần phải được giải quyết trên quan điểm tổng hợp và hệ thống. Trong bài này chúng tôi xin nêu một số kết quả nghiên cứu về hệ thống nông nghiệp của miền núi xét trên quan điểm của sự phát triển bền vững.
Sự phát triển bền vững là sự quản lý và bảo vệ cơ sở của các nguồn lợi tự nhiên và phương hướng của các thay đổi kỹ thuật và thể chế cách nào để bảo đảm đạt được và thoả mãn các nhu cầu của con người thế hệ này và thế hệ tương lai. Sự phát triển bền vững ấy bảo vệ đất, nước, các nguồn lợi di truyền thực vật và động vật, không bị thoái hoá về môi trường, thích ứng về kỹ thuật, có sức sống về kinh tế và chấp nhận được về xã hội (FAO, 1988).
Trước những năm 30 của thế kỷ trước áp lực dân số ở miền núi chưa mạnh, canh tác trên nương du canh chỉ do một số dân lộc tiến hành. Với việc bỏ hoá dài (hơn 10 năm) rừng kịp phục hồi và nạn xói mòn không nghiêm trọng lắm. Từ các năm 30 dân số tăng ngày càng nhanh. Di dân từ đồng bằng đã làm dân số miền núi tăng nhanh hơn. ở miền núi sản lượng lương thực tăng chậm hơn dân số.
Cuộc cách mạng xanh trong các năm 70 và 80 chủ yếu do việc tăng dùng các vật tư nông nghiệp chỉ thành công ở đồng bằng. ở miền núi có nhiều đất dốc, mật độ dân số thưa, các hệ thống nông nghiệp quảng canh và dễ bị phá hoại, sự phát triển gặp nhiều khó khăn. ở đất dốc phát triển cây lâu năm thay cho nương du canh mới bền vững được.
Trong thời kỳ này cũng có nhiều thay đổi về thể chế. Trong các năm 50 cải cách ruộng đất không xảy ra ở miền núi, mà chỉ có cải cách dân chủ. Sang các năm 60 việc tập thể hoá nông nghiệp được tiến hành. Ruộng ở thung lũng không đủ nuôi dân số nên diện tích nương du canh đã tăng nhanh. Nạn phá rừng cũng tăng nhanh, tương quan với tăng dân số. Tốc độ phá rừng phụ thuộc không phải chỉ vào nhu cầu lương thực mà còn vào nhu cầu gỗ.
Đầu các năm 80 Chỉ thị 100 ít ảnh hưởng đến miền núi. Chỉ có nghị quyết 10 đã thúc đẩy mạnh sản xuất lương thực.
Năm 1993 Chính phủ bắt đầu giao đất giao rừng cho dân. Thể chế này bắt đầu có tác dụng tích cực đến việc bảo vệ rừng.
Vấn đề an ninh thực phẩm luôn là ưu tiên số một trong sự phát triển nông nghiệp của nước ta.
Nếu chúng ta xem lại sự phát triển của các vùng trong vài chục năm qua thì thấy:
1. Các vùng đồng bằng phát triển tương đối tốt vì sản lượng lương thực tăng nhanh hơn dân số. Trong lúc ở các vùng miền núi dân số lại tăng nhanh hơn lương thực.
2. Trước 1988 hệ thống kinh tế xã hội không thúc đẩy việc tăng lợi ích của nông dân thì các kết quả của cuộc cách mạng xanh không tạo được một sự phát triển chấp nhận được.
Để đánh giá sự phát triển bền vững của nông nghiệp miền núi, cần xem lại sự phát triển của vài chục năm gần đây. Trong hơn 30 năm gần đây dân số miền núi phía Bắc tăng nhanh hơn ở đồng bằng, một phần do tỷ lệ sinh đẻ của dân địa phương, một phần do sự di dân từ miền xuôi lên. Tốc độ tăng lương thực không tăng kịp tốc độ tăng dân số và tốc độ phá rừng vượt quá xa tốc độ tăng dân số.
Miền núi Bắc Việt Nam do các dân tộc nói tiếng Thái sống: người Tày và Nùng ở Việt bắc và Người Thái ở Tây Bắc. Các dân tộc này trồng lúa nước ở các thung lũng. Các dân tộc đến sau từ Nam Trung Quốc như người Dao và Hmông đến sau lúc các thung lũng đã bị chiếm hết, canh lác trên nương đất dốc hay làm ruộng bậc thang.
Hệ thống nông nghiệp miền núi bao gồm nhiều kiểu sinh thái khác nhau:
· Ruộng lúa nước ở thung lũng.
· Lúa hay màu ở ruộng bậc thang.
· Vườn tạp quanh nhà
· Cây lâu năm trên nương quanh thung lũng, hay nông lâm kết hợp.
· Nương du canh trên đất dốc.
· Vườn rừng hay rừng trồng.
Các hệ thống nông nghiệp ở miền núi và trung du thường đa dạng hơn hệ thống ở đồng bằng.
Sự tiến hóa của hệ thống nông nghiệp do các nhân tố sau quyết định:
· Mục tiêu của các hộ nông dân chuyển từ tự cấp sang sản xuất hàng hoá.
· Sự thay đổi nhu cầu của thị trường trong quá trình công nghiệp hoá.
· Việc phổ biến các giống cây trồng mới của cơ quan nghiên cứu.
· Nhu cầu thâm canh và tăng vụ do sức ép dân số tăng lên thúc đẩy.
· Quá trình đa dạng hoá nông nghiệp để tăng thu nhập.
· Nhu cầu tăng việc làm và tăng thu nhập của nông dân.
· Nhu cầu của thị trường thay đổi do mức sống của nhân dân nâng cao.
· Sâu bệnh phá hoại do giảm đa dạng sinh học.
Mất mùa do thiên tai và môi trường bị phá hoại gây nên.
Gần đây sự phát triển của hệ thống nông nghiệp miền núi có nhiều thay đổi:
· Việc thâm canh lúa ở ruộng đã được đẩy mạnh. Năng suất lúa ở các thung lũng lớn đã tăng nhanh nhờ việc cải tiến thuỷ lợi, dùng giống năng suất cao và phân bón. Các giống lúa mới của Trung Quốc thích hợp với vùng này đã đóng góp nhiều. Sản lượng lương thực trên đầu người nhiều tỉnh miền núi đã đạt gần 300 kg/người.
· Diện tích lúa nương đã giảm nhiều do nhiều nguyên nhân: một là do các diện tích lúa nương gần đã hết vì đã bị xói mòn do gần đây chu kỳ bỏ hoá ngày càng bị rút ngắn; hai là do việc giao đất rừng đã hạn chế việc phát nương ở các nơi tương đối thuận lợi.
· Đi đôi với việc phát triển thị trường ở miền núi việc phát triển các cây hàng hoá nhất là các cây lâu năm như cà phê, dâu tằm, quế, hồi, cây ăn quả... đã bắt đầu phát triển nhưng vẫn bị hạn chế vì thiếu thị trường tiêu thụ và khả năng chế biến.
· Việc phát triển chăn nuôi đại gia súc có thể phát triển nhưng bị hạn chế vì thiếu thị trường tiêu thụ hay thiếu đất chăn thả (vì đất rừng đã có chủ).
· Việc trồng lại rừng và bảo vệ rừng cũng đã bắt đầu được chú ý nhờ các chương trình của nhà nước và của các tổ chức phi chính phủ.
· Kỹ thuật canh tác trên đất dốc chống xói mòn để làm nương cố định đã bắt đầu được phổ biến rộng. Gần đây việc trồng ngô trên đất dốc cũng được phát triển mạnh và có nguy cơ phục hồi lại chế độ canh tác nương rẫy.
Việc khai thác các nông lâm sản để bổ sung thu nhập cho hộ nông dân cũng bị hạn chế vì đất rừng đã có chủ.
· Việc phát triển thị trường và các ngành nghề phi nông nghiệp cũng phát triển một cách khó khăn. Không có các hoạt động này thì không thể rút lao động ra khỏi nông nghiệp giảm bớt áp lực dân số trong các hệ nông nghiệp.
Trước kia chúng ta tưởng rằng ruộng lúa ở thung lũng ít quá, sản lượng không đủ nuôi một dân số ngày càng đông. Lúc mà hệ thống nông nghiệp miền núi gặp khó khăn trong sự phát triển theo cách cũ, vừa sản xuất lương thực trên thung lũng vừa trồng lúa trên nương dốc không còn thực hiện được nữa. Rừng có thể khai thác đã bị phá hoại gần hết, đất có thể làm nương du canh đã bị xói mòn nhiều, việc khai thác rừng không thể tiếp tục như cũ được. Muốn giải quyết vấn đề lương thực chỉ có cách là phải thâm canh ruộng lúa ở thung lũng theo chiến lược của cách mạng xanh. Việc thâm canh ruộng lúa đã đưa đến các kết quả bất ngờ, là miền núi hoàn toàn có khả năng tự cấp lương thực.
Theo Hayami và Ruttan (1971) kỹ thuật thâm canh chỉ được áp dụng lúc đất trở thành nhân tố hiếm và lao động trở thành thừa thãi. Điều này giải thích vì sao việc thâm canh chỉ có thể thực hiện được lúc mà mật độ dân số đã đạt đến một mức nhất định. Theo Templeton và Scherr (1999) các hệ thống nông nghiệp miền núi lúc mật độ dân số tăng lên, quan hệ giữa dân số và nguồn lợi có hình chữ U, thời gian đầu lúc dân số tăng lên thì nguồn lợi và rừng bị cạn kiệt dần, nhưng đến một điểm ngoặt lúc nguồn lợi đã đạt mức thấp nhất, do tỷ lệ giữa giá đất và giá lao động tăng lên việc sản xuất sẽ chuyển sang hướng thâm canh và nguồn lợi sẽ được phục hồi và tăng lên.
Trong quá trình chuyển hướng này phải có các thể chế mới thích hợp với hướng phát triển mới và có các hướng sản xuất mới phù hợp với yêu cầu của thị trường và kỹ thuật thích ứng.
Một vấn đề khác trong phát triển là trong thời gian đầu để tăng thu nhập và tránh các rủi ro của thị trường nông dân phải đa dạng hoá sản xuất. Tính đa dạng của các hệ sinh thái miền núi thuận lợi cho hướng đa dạng hoá này. Nhưng việc phát triển nông nghiệp hàng hoá đòi hỏi phải đầu tư vốn vào sản xuất, hộ nông dân phải chuyển sang chuyên môn hoá. Do tính đa dạng của các hệ sinh thái miền núi các ngành hàng mà nông dân có thể phát triển được phong phú hơn ở đồng bằng nhiều. Một hộ nông dân miền núi không thể vừa canh tác ở thung lũng vừa canh tác ở đất dốc, vừa làm nông nghiệp vừa làm lâm nghiệp, vừa trồng trọt vừa phát triển ngành nghề. Do đó việc phát triển kinh tế miền núi đòi hỏi phải có sự phân công lao động giữa các hộ nông dân. Vấn đề này là mới ở miền núi lúc mà việc phát triển kinh tế thị trường mới bắt đầu.
Theo D. North (1997), nhà khoa học được giải Nobel, muốn cho một xã hội hoạt động được cần có cấu trúc thể chế. Các thể chế bao gồm các luật chơi của xã hội gồm có các luật hình thức (hiến pháp, điều lệ và luật lệ, quy định) và các ràng buộc phi hình thức (tiêu chuẩn, công ước và các quy tắc đối xử) và các đặc điểm ép buộc của chúng. Thể chế tạo ra thị trường có hiệu quả. Thị trường hiệu quả là các thể chế có chi phí trao đổi thấp và tạo ra lợi ích kinh tế để các tác nhân cạnh tranh với nhau qua giá và chất lượng.
Hệ thống nông nghiệp bền vững phải có tăng trưởng cao trong thời gian dài. Giữa tăng trưởng và bảo vệ có một mối mâu thuẫn mà sự phát triển phải dung hoà.
Các nhà nghiên cứu về kinh tế phát triển cho rằng, bước đầu tiên là phải làm cho nông nghiệp chuyển động (P. Timmer, 1988). Vấn đề chính là phải tăng năng suất lao động, tạo được thặng dư để:
- Nuôi dân đô thị với giá rẻ,
- Mua công nghệ phẩm,
- Có ngoại tệ để mua đầu vào,
- Đóng thuế cho Nhà nước.
Ngoài ra còn phải:
- Cung cấp thức ăn cho nông thôn.
- Tạo việc làm cho nông dân không đất và ít đất,
- Tăng thu nhập nông thôn.
Có một nghịch lý là phần đông các hộ nghèo lại có hơn một nửa thu nhập từ các nguồn phi nông nghiệp (Ellis, 1998).
Một điều kiện quan trọng là phải có nhu cầu về nông sản có thể bán được tăng và có thay đổi về công nghệ cho phép có thể tăng năng suất tổng số các nhân tố (total factor produclivity) (Delgado, Hopkin, 1998).
Do đó nếu tăng trưởng chỉ giải quyết được việc làm bằng công nghệ thích hợp mà không có sự hỗ trợ của việc phát triển công nghiệp thay nông nghiệp để làm động cơ tăng trưởng thì sự phát triển nông thôn sẽ bị hạn chế (T. Killick, 2002).
Vì vậy việc phát triển nông nghiệp hàng hoá là một quá trình quan trọng. Trong hộ nông dân quá trình này không những chỉ là tăng lượng nông sản bán ra thị trường mà còn là việc chuyển từ đa dạng hoá sang chuyên môn hoá vì các hộ trong giai đoạn chuyển tiếp thường sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau.
Theo Dorward (2002) những điều kiện quyết định việc thực hiện cách mạng xanh, thâm canh cây hạt lương thực là có công nghệ trồng các giống năng suất cao, thị trường địa phương có giá ổn định làm cho việc đầu tư có lãi, tài chính để mua đầu vào, sự tiếp xúc chắc chắn và công bằng với ruộng đất, và hạ tầng cơ sở để đảm bảo đầu vào đầu ra và thị trường tài chính. Để sự phát triển của thị trường tài chính, đầu vào và đầu ra cần có các thể chế không thị trường. Do đó trong giai đoạn I của cách mạng xanh cần có sự can thiệp để tạo các điều kiện công nghệ, hạ tầng cơ sở, thể chế cho công nghệ thâm canh. Nếu không thì chỉ có một số ít nông dân có thể tiếp xúc với tài chính và thị trường, cần một sự thúc đẩy của nhà nước ở giai đoạn II để thêm nhiều nông dân tiếp xúc với tài chính, thị trường đầu vào và đầu ra với chi phí thấp và rủi ro thấp. Trợ cấp cần cho việc giảm chi phí trao đổi chứ không phải để điều chỉnh giá. Lúc nông dân đã dùng công nghệ mới, lúc khối lượng tín dụng, yêu cầu đầu vào và cung cấp đầu ra đã tăng lên, chi phí trao đổi trên đơn vị đã giảm, do khối lượng hoạt động phi nông nghiệp cũng tăng do các mối quan hệ tăng trưởng. Sang giai đoạn III chính phủ có thể rút lui khỏi các hoạt động, để cho khu vực tư nhân thay thế, chuyển sang chú ý các điều kiện hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế phi nông nghiệp.
Các nhân tố thúc đẩy quá trình này là:
- áp lực dân số.
- Công nghệ mới.
- Phát triển hạ tầng cơ sở,
- Chính sách vĩ mô và thương nghiệp. (Von Braun, Kennedy, 1994).
Do đó chúng ta thấy việc thoát khỏi tình trạng tự cấp là một việc khó và phức tạp. Muốn thúc đẩy quá trình này một mặt phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi của hộ bằng cách xây dựng các thể chế' không thị trường mang tính xã hội nhiều hơn, đồng thời thúc đẩy việc phát triển thị trường nông thôn bằng các thể chế thích hợp để thúc đẩy kinh doanh của nông dân, giúp nông dân tạo được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và phát triển được công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Hiện nay nông dân miền núi thiếu một thể chế hành động tập thể để giúp họ thoát khỏi tình trạng tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hoá. Nói đến hợp tác xã thì còn sớm quá, nhưng những nhóm nông dân cùng làm một việc như nhóm khuyến nông, nhóm chăn nuôi, nhóm tín dụng, nhóm sản xuất giống... Các nhóm này còn có nhiệm vụ giúp nông dân tiếp xúc với thị trường, giúp phát huy óc kinh doanh của nông dân.
Thông tin Khoa học Nông nghiệp và Kinh tế - (18/02/2005)
|