Năm 2004 xuất khẩu nông, lâm sản đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục là tăng 31% so với năm 2003, đạt hơn 4,2 tỷ USD. Phân tích của các chuyên gia cho thấy, sự tăng trưởng nói trên là hệ quả của nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố "bên ngoài" và "bên trong".
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới năm 2004 đạt mức tăng trưởng 5% là mức cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, đã tạo điều kiện thúc đẩy thương mại toàn cầu thêm sôi động. Thêm vào đó, sự phục hồi kinh tế của nhiều nước và nhiều khu vực đã tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường hàng nông, lâm sản của Việt Nam. Thí dụ, với thị trường Iraq, sau một năm đầy khó khăn, lượng chè Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đã tăng gấp 5,8 lần...
Cùng với điều kiện thuận lợi bên ngoài, không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của các yếu tố trong nước cho bước tăng trưởng kỷ lục của xuất khẩu nông, lâm sản. Ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2004 tăng hơn 4% so với năm 2003. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển đổi hợp lý gắn với thị trường hơn. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách đã tạo động lực đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu gắn với những cải thiện trong môi trường kinh doanh, đầu tư, thu hút sự tham gia chủ động của các thành phần kinh tế, thắt chặt hơn mối cộng tác giữa doanh nghiệp và người sản xuất, tạo thuận lợi cho nguồn cung tiến gần với cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm qua, các doanh nghiệp cùng các bên liên quan đã chú trọng hơn đến hoạt động thông tin, phát triển thị trường với phương châm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Kết quả là hàng nông, lâm sản Việt Nam đã có mặt ở khắp các châu lục, trong đó thị trường các nước châu Á vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường châu Âu, Mỹ... được mở rộng với mức tăng kim ngạch gấp 1,5-2,5 lần so với năm 2003.
Đáng chú ý, theo ông Dũng, sức cạnh tranh của hàng nông, lâm sản Việt Nam đã được cải thiện. Nhiều mặt hàng giữ được vị trí cao trên thị trường quốc tế. Về số lượng XK, gạo giữ vị trí thứ hai (sau Thái Lan), cà-phê đứng ở vị trí thứ hai (sau Brazil). Về số lượng và kim ngạch XK hạt điều giữ vị trí thứ hai (sau Ấn Độ), mặt hàng tiêu vẫn đứng đầu. Về kim ngạch XK cao-su giữ vị trí thứ tư (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia), chè ở vị trí thứ bảy. Riêng mặt hàng gỗ của Việt Nam đứng thứ tư về kim ngạch xuất khẩu trong khu vực Đông-Nam Á (sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan). Nhiều mặt hàng chính có sự gia tăng về kim ngạch và thị trường.
Những kết quả đạt được trong năm qua tạo cơ sở khá chắc chắn cho hoạt động xuất khẩu của ngành trong năm nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay có những thách thức đáng lưu ý.
Giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất như phân bón, xăng dầu... trên thế giới vẫn ở mức cao, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, xu hướng toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra hết sức nhanh chóng, tạo thêm cơ hội song cũng gây sức ép cạnh tranh lớn. Những hàng rào phi thuế quan ngày càng tăng luôn là trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, sự biến động bất thường về thời tiết, dịch bệnh diễn ra cũng sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn cung. Đáng quan tâm là đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh, tác động đến tăng trưởng của một số nền kinh tế trên thế giới cũng tạo thêm yếu tố bất lợi cho việc tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản Việt Nam vào những thị trường này. Dự báo, diễn biến thị trường nông, lâm sản trên thế giới cũng sẽ có nhiều biến động.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, để sản phẩm nông, lâm sản vượt qua những thách thức nói trên và đạt kim ngạch xuất khẩu dự kiến 4,5 tỷ USD trong năm nay, cần thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, việc tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn với nhu cầu thị trường được Bộ trưởng nhấn mạnh song song với việc chú trọng quản lý chất lượng sản phẩm trong toàn bộ chu trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, cần tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể nắm bắt đúng thời cơ, kinh doanh đem lại hiệu quả cao nhất.
Dự báo thị trường một số mặt hàng nông sản chính
Gạo: Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương mại gạo toàn cầu năm 2005 ở mức 24,5 triệu tấn (giảm khoảng 4,7% so với mức đạt được trong năm 2004). Dự báo một số nước sẽ giảm nguồn cung ra thị trường so với năm 2004, trong đó Ấn Độ được dự báo giảm khoảng 300.000 tấn, Thái-lan giảm khoảng 1,75 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường lại tăng, trong đó có Angola, Ghana,Guinea, Mozambique, Kenya, Senegal, Malaysia... Diễn biến nói trên cộng với giá dầu thô và phân bón trên thế giới vẫn ở mức cao sẽ là những nhân tố làm cho giá gạo thế giới vững lên.
Cà-phê: Dự báo của Tổ chức Cà-phê thế giới cho thấy, niên vụ 2005 - 2006, sản lượng cà-phê toàn cầu sẽ đạt khoảng 106 - 108 triệu bao (tương đương 6,4 - 6,5 triệu tấn), giảm khoảng 6-8 triệu bao so với mức đạt được trong niên vụ 2004 - 2005. Nhu cầu cà-phê toàn cầu sẽ vượt sản lượng khoảng bảy triệu bao (tương đương 420.000 tấn). Đây sẽ là yếu tố quan trọng làm cho giá cà-phê có thể sẽ tăng trở lại và duy trì ở mức cao trong thời gian tới.
Hạt tiêu: Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường hạt tiêu trên thế giới trong năm nay vẫn ở trong tình trạng cung vượt cầu. Ấn Độ, một trong những nước sản xuất hạt tiêu chính có thể sẽ bội thu trong vụ mới. Thêm nữa, tồn kho của nước này từ vụ trước chuyển sang khiến nguồn cung hạt tiêu của Ấn Độ có thể đạt tới 100.000 tấn. Nguồn cung lớn vẫn tạo sức ép lên thị trường làm cho giá hạt tiêu khó có thể cải thiện trong thời gian tới.
Cao-su: Hiện nay, nguồn cung của các nước sản xuất chính như Thái-lan và Indonesia đang tăng lên theo tiến độ khai thác. Thị trường các nước phương Tây giảm giao dịch do có nhiều ngày nghỉ lễ. Số lượng hợp đồng mua bán giảm là những nhân tố tạo sức ép khiến giá cao-su chưa thể tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trận động đất vừa xảy ra ở châu Á làm hư hỏng một số cảng lớn vận chuyển cao-su của Malaysia, Thái-lan, Indonesia có thể sẽ gây khó khăn cho việc vận chuyển. Ảnh hưởng đến nguồn cung. Thêm nữa, về dài hạn, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng cao-su thiên nhiên do được lợi về giá so với cao-su tổng hợp. Do vậy, thị trường cao-su thế giới năm nay có thể sẽ tiếp tục được cải thiện.
Rau, quả: Năm nay, dự báo thị trường rau, quả nhiệt đới thế giới vẫn tiếp tục phát triển. Nhu cầu cả mặt hàng rau quả tươi và chế biến đều tăng, trong đó mặt hàng rau, quả tươi chiếm tỷ lệ vượt trội.
Chè: Dự đoán trong thời gian tới, thị trường chè thế giới cung tiếp tục vượt cầu, giá chè khó có thể cải thiện nhiều.
Thịt lợn: Năm 2005, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tiêu thụ thịt lợn toàn cầu ở mức hơn 91 triệu tấn, tăng 0,76% so với năm 2004. Năm nay, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của một số thị trường tăng, trong đó nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại Nhật Bản, Nga, Brazil tăng 2,1 - 2,2%, tại Mỹ tăng 1%, ở Trung Quốc tăng 0,5%... Xuất khẩu thịt lợn thế giới được dự báo ở mức hơn 4,2 triệu tấn, tăng gần 1% so với con số đạt được trong năm 2004. Trên thị trường thế giới tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu lớn.
Nhân Dân - (11/01/2005)
|