Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang vào cuộc chạy đua nước rút để đáp ứng yêu cầu về mở cửa tài chính trong công cuộc hội nhập, đặc biệt là cánh cửa WTO đang cận kề, trong đó có thể coi việc ban hành Pháp lệnh quản lý ngoại hối là chìa khóa.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Pháp lệnh quản lý ngoại hối đang được khẩn trương hoàn thành trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới là một dự thảo rất quan trọng thể hiện một số cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng khi gia nhập WTO.
Những quy định của pháp lệnh này đều nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện việc tự do hoá hoàn toàn các giao dịch vãng lai khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chẳng hạn như quy định cho phép mọi công dân Việt Nam đều có quyền mang tiền ra nước ngoài và mang tiền từ nước ngoài vào Việt Nam; có quyền được vay-trả nợ trực tiếp với nước ngoài.
Những cam kết về mở cửa thị trường tài chính đang cuốn hệ thống ngân hàng Việt Nam vào dòng chảy cải cách, trở thành một trong những định hướng quan trọng nhất cho việc xây dựng chiến lược hoạt động của các ngân hàng.
Bắt đầu từ hệ thống ngân hàng quốc doanh. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định theo hướng giảm tối đa sự can thiệp của ngân hàng trung ương vào hoạt động của các ngân hàng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, trong nhiều trường hợp chỉ cần đăng ký thay vì phải xin phép như trước kia. Có thể nêu một số quy định trong quy cho vay, hạch toán nợ, bảo đảm tiền gửi, quản lý kinh doanh tiền tệ.
Đứng trước thực trạng về lượng vốn trong các ngân hàng hiện quá thấp so với yêu cầu hội nhập, mở cửa, Ngân hàng Nhà nước đã đầu tư 12.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại quốc doanh để tăng vốn tự có. Động thái này đã làm tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng này từ 2,5 lên 4-5%; tuy nhiên theo chuẩn quốc tế tỷ lệ này phải là 8%. Giải pháp phát hành trái phiếu dài hạn nếu có áp dụng rộng rãi cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vốn.
Bởi vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải cổ phần hoá các ngân hàng thương mại quốc doanh. Đề án quan trọng này đang được triển khai với hai đơn vị tiên phong là Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Nhà Đồng bằng sông Cửu Long. Tiến tới năm 2010, tất cả các ngân hàng thương mại quốc doanh đều sẽ thực hiện việc huy động vốn trên thị trường.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại nhỏ với quy mô vốn khoảng 70 tỷ đồng cũng đang trong quá trình "nâng cấp" lên quy mô vốn từ 200 tỷ đồng trở lên để nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Cùng với việc chuẩn bị cổ phần hoá các ngân hàng được coi là "đại gia" như vậy, chương trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang thu được nhưng kết quả khả quan. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại quốc doanh đã giảm từ 14,9% xuống còn 2,9-7,8%; của các ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 20% xuống 2,5-4,5%.
Tuy nhiên, bình luận về các con số này, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu dựa trên tiêu chuẩn kiểm toán mới theo tinh thần của Luật Kiểm toán vừa được Quốc hội thông qua thì tỷ lệ này trên thực tế sẽ cao hơn khá nhiều. "Xử lý nợ xấu vẫn còn là vấn đề rất phức tạp", ông Nghĩa kết luận.
Bên cạnh đó, các ngân hàng Việt Nam còn phải đối mặt với những bất cập về hệ thống quản trị, trình độ công nghệ thông tin chưa đồng đều, trình độ đội ngũ nhân lực còn hạn chế.
Thông tấn xã Việt Nam - (14/06/2005)
|