Là tập đoàn kinh tế đa sở hữu, hoạt động trong lĩnh vực dệt-may thời trang và kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại; Tập đoàn Dệt-May có nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển
Cuối năm 2005, Tổng Công ty Dệt - May đã chính thức chuyển đổi thành Tập đoàn Dệt - May Việt Nam. Năm qua cũng là năm liên tiếp sau hàng chục năm, Tập đoàn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 13%, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%, tiêu thụ trong nước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt trên 151 tỷ đồng, sử dụng hơn 100.000 lao động. Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội nước ta giai đoạn 10 năm tới, dệt may vẫn được coi là ngành kinh tế chủ lực.
Mặc dù đã khá phổ biến trên thế giới, song mô hình tập đoàn là hoàn toàn mới trong nền kinh tế nước ta. Để Tập đoàn trở nên lớn mạnh hơn, sự thay đổi mô hình từ Tổng Công ty sang Tập đoàn không mang tính hình thức, ông Bùi Xuân Khu - Thứ trưởng thường trực Bộ Công nghiệp cho rằng, cần kiện toàn tổ chức ở cấp Tập đoàn song song với ở từng doanh nghiệp để nhanh chóng cải thiện hoạt động, đồng thời phải tăng cường chuyên môn hoá, hợp tác hoá và đa sở hữu, phải chứng khoán hoá cổ phiếu của mình. Tập đoàn phải có thương hiệu mạnh và thu hút được nhà đầu tư chiến lược.
Chúng ta đã chứng kiến không ít lần chuyển đổi mô hình và các cuộc tách-nhập Doanh nghiệp Nhà nước nhưng thường không đạt yêu cầu đề ra. Đã có nhiều nguyên nhân được kể đến, đặc biệt là do tổ chức và điều hành chưa tương xứng. Ông Nguyễn Đình Trường - Tổng Giám đốc Công ty may Việt Tiến, một trong 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của Tập đoàn Dệt – May Việt Nam cho biết kinh nghiệm chuyển đổi ở công ty Việt Tiến là phải chuyển đổi từ trên xuống, nghĩa là việc điều hành của lãnh đạo cũng phải chuyển đổi. Phải thực sự quan tâm xây dựng, thực hiện quy chế, tổ chức và điều hành mới thì mới phát huy được tác dụng của mô hình mới. Với cách làm như vậy, Công ty may Việt Tiến hiện là doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh thu và năng suất vào loại cao nhất ngành dệt-may nước ta.
Là tập đoàn kinh tế đa sở hữu, bao gồm các công ty thành viên là các Doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên… hoạt động trong lĩnh vực dệt-may thời trang và kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại nên Tập đoàn Dệt-May có nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển. Tập đoàn đã đề ra chương trình cụ thể trong hoạt động của mình, như: củng cố và mở rộng mạng lưới siêu thị Vinatex Mark của công ty kinh doanh thời trang, đồng thời thí điểm mở một số cửa hàng ở các nước châu Âu và mở rộng thị trường Trung Đông và Mỹ, đặc biệt chú trọng khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Về thương hiệu, Tập đoàn liên kết với đối tác nước ngoài để quảng bá 1-2 thương hiệu xuất khẩu và trong nước sẽ xây dựng khoảng 10 thương hiệu mạnh…
Ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, Tập đoàn sẽ đầu tư sản xuất sản phẩm khác biệt nhằm tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất; đồng thời xây dựng chuỗi nhà máy ở miền Trung và các vùng xa, tạo nên chuỗi liên kết để phát huy công suất mỗi cụm và giảm chi phí vận chuyển, tận dụng lao động địa phương. Bên cạnh đó, Tập đoàn đầu tư thêm chi tiết, phụ kiện để tận dụng công suất thiết bị. Hiện nay Tập đoàn mới sử dụng 60 – 70% công suất, vì thế việc phát huy thêm 30-40% công suất chưa sử dụng sẽ giảm chi phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Đài Tiếng nói Việt Nam - (15/03/2006)
|