Today: 23 Nov 2007
  Trang chủ | Giới thiệu | Định vị | Góp ý | Giúp đỡ | English

Kinh tế
Tin tức
Chiến lược và kế hoạch phát triển
Đầu tư nước ngoài
Thương mại
Hội nhập kinh tế quốc tế
Doanh nghiệp
Tài chính ngân hàng
Nông nghiệp - Công nghiệp
Tin tức
Chào mừng đến Việt Nam
Giáo dục - Đào tạo
Chính phủ quản lý
Hợp tác Quốc tế
Khoa học - Công nghệ - Môi trường
Phát triển xã hội
Website phục vụ phát triển
TỶ GIÁ GIAO DỊCH
DIỄN ĐÀN
HỎI/ĐÁP
Hà Nội 18 - 25 oC
Huế 19 - 25 oC
Đà Nẵng 22 - 29 oC
Hồ Chí Minh 25 - 36 oC
  Doanh nghiệp

Tản mạn về doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế

Trong thế giới ngày nay, khi hiệu quả về thời gian trở thành thước đo rất quan trọng thì doanh nghiệp và cả xã hội phải có những thay đổi cơ bản

Tuy chưa trở thành thành viên của WTO vào tháng 12. 2005 như đã dự định, nhưng hội nhập quốc tế ngày nay đã trở thành câu chuyện hàng ngày của doanh nhân Việt Nam: xuất khẩu đi hơn 120 nền kinh tế, một năm đi công cán cả trên chục lần ra nước ngoài, sử dụng các công cụ hiện đại của công nghệ thông tin trong công việc hàng ngày, từ nước ngoài có thể duyệt báo cáo, cho chỉ thị, nhận thông tin từ văn phòng như không còn khoảng cách địa lý. Và đã bắt đầu nếm những món khai vị đủ loại chua, cay, mặn, ngọt của hội nhập là cạnh tranh ngay trên sân nhà, vừa mới thâm nhập được vào thị trường đã phải đối mặt với kiện tụng tranh chấp thương mại.



Rất nhiều doanh nhân đã trưởng thành nhanh chóng, nhất là những người trẻ, được đào tạo và chịu khó học hỏi. Trong khi đó phải nói không ít doanh nhân bị "hố" rất nặng, không biết ngoại ngữ, sử dụng phiên dịch không chuyên nghiệp và chưa biết ứng xử thích hợp. Việc uống rượu quá nhiều không phù hợp với tập tục kinh doanh quốc tế, không phải cứ thật say thì ký được hợp đồng béo bở. Không phải tình cờ mà các doanh nhân Trung Quốc ngày nay không chỉ học quản trị kinh doanh, ngoại ngữ mà còn mời thầy từ Thuỵ Sĩ đến, trả tiền rất cao để học cách ăn mặc, chào hỏi, ứng xử phù hợp với doanh nhân quốc tế.



Song, tất cả mới chỉ là khúc dạo đầu cho một trường ca bi tráng sẽ tới và phải tới. Chúng ta sẽ phải tham gia vào các chuỗi giá trị (value-chain) hay trở thành bộ phận của một dây xích sản xuất quốc tế: sản xuất ở Việt Nam, lắp ráp ở Trung Quốc hay phải làm dịch vụ cho những hợp đồng đưa công việc ra ngoài doanh nghiệp (outsourcing) như thiết kế, kế toán hay chẩn đoán cho các siêu thị, công ty, bệnh viện của Mỹ hay EU. Họ làm việc cả ngày đến 9 giờ đêm, rồi chuyển số liệu cho ta và đóng cửa về nhà vì lúc đó ở bên Mỹ đã tối và phải nghỉ. Đúng lúc đó là một ngày mới của ta, mở máy tính đã thấy đầy ắp dữ liệu và phải hoàn tất mọi công việc trước 9 giờ đêm và gửi lại cho họ để họ bắt đầu một ngày mới. Không cần phải nói thêm nhiều cũng có thể hình dung khoảng cách dữ tợn giữa chúng ta hiện nay và thực tế này đang diễn ra ở Trung Quốc và Ấn Độ: khung pháp luật, kỹ năng của nhân viên - kể cả trình độ ngoại ngữ, sự tin cậy và kỹ thuật bảo mật v.v... Phải đáp ứng tất cả các yêu cầu rất cao thì mới có thể trở thành thành viên của một mắt xích hay đối tác dịch vụ cho một mạng lưới outsourcing toàn cầu. Song, nếu đứng ngoài cuộc chơi lớn này thì chúng ta dẫu có chăm chỉ, xuất khẩu thật nhiều gạo hay rơm sạch, tức là xuất khẩu những sản phẩm thô với giá trị gia tăng thấp, thì chúng ta sẽ vẫn là kẻ ngoài cuộc và sẽ vẫn chỉ là nền kinh tế thu nhập thấp.



Trong thế giới ngày nay, khi hiệu quả về thời gian trở thành thước đo rất quan trọng thì doanh nghiệp và cả xã hội phải có những thay đổi cơ bản: phải thực hiện hợp đồng trong thời hạn nhanh nhất để đến sớm hơn đối thủ cạnh tranh. Chu kỳ sống của các sản phẩm đều đã trở nên rất ngắn, từ điện thoại di động đến máy tính và thời trang cao cấp mùa vụ không quá ba, bốn tháng. Trong thời gian đó, từ người làm ra chính sách đến hải quan, vận tải đều phải tiết kiệm thời gian giao hàng. Không thể chỉ có công nhân làm đêm, còn quan chức thì đủng đỉnh, hôm nay cũng được ngày mai cũng xong, vì nếu vậy hiệu quả của cả nền kinh tế được quyết định bởi khâu chậm trễ nhất, tức là bởi khâu nào biếng nhác và vô trách nhiệm nhất. Chỉ cần một khâu chậm trễ và lỡ hẹn thì hàng vạn con người trên cả chục nước sẽ bị vô hiệu hoá và hệ quả ra sao có thể dễ dàng mường tượng được.



Qua vài ví dụ trên, có thể hình dung ra sự khác biệt lớn giữa doanh nhân toàn cầu hoá và doanh nhân của luỹ tre làng, giữa sinh viên toàn cầu hoá và sinh viên sau luỹ tre xanh: một người nhận thông tin, vật liệu từ toàn thế giới và hành xử theo luật chơi toàn cầu, ngôn ngữ toàn cầu, một người tìm kiếm lợi nhuận từ những tính toán thiệt hơn qua các mối quan hệ với anh Hai, chị Ba để xin miếng đất hay ưu đãi thuế.  Chừng nào sự cám dỗ của con đường kiếm tiền dễ dàng và phi pháp còn lớn thì con đường nhọc nhằn của toàn cầu hoá chưa thể mở ra. Song, có thể nhìn thấy trước, những ưu thế của luỹ tre làng là hạn hẹp và sớm muộn cuộc cạnh tranh với đối thủ không cân sức sẽ diễn ra. Và lúc đó, sự nâng đỡ của anh Hai, chị Ba sẽ chỉ tác động rất có giới hạn mà thôi.



Một sinh viên toàn cầu hoá ở thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội học qua mạng, xin học bổng qua mạng, trao đổi với bạn bè trên thế giới qua mạng. Có lẽ anh ta không khác một sinh viên ở nước ngoài nhiều lắm; trong khi một sinh viên sau luỹ tre xanh nhai lại những kiến thức cũ rích và vô dụng từ những bài đọc trong sách được xuất bản từ thế kỷ trước. Khoảng cách giữa hai con người đó là khoảng cách của thế kỷ chứ không phải khoảng cách tính bằng cây số.



Như vậy có thể mường tượng được rằng khoảng cách giữa chúng ta hiện nay và cái mốc cần đạt tới trong vài năm nữa còn lớn như thế nào. Người Việt Nam ta vốn được đánh giá là thông minh, tiếp thu nhanh, khéo tay cho nên có nhiều khả năng sẽ bắt kịp về kiến thức. Song, các thể chế, thói quen, các định kiến và sự thiếu hiểu biết là những cản trở không nhỏ. Thách thức lớn nhất là thách thức từ chính mình, không tự vượt qua được các trói buộc mà mình tự buộc vào. Cho nên đổi mới tư duy vẫn là điều quan trọng nhất. Biết đón nhận cái mới, biến kiến thức học được thành trí tuệ, kỹ năng của mình, đó là điều chúng ta cần làm.



Năm mới 2006 với bao cơ hội giao lưu quốc tế chắc chắn sẽ đưa quá trình hội nhập quốc tế sâu sắc hơn và toàn diện hơn. Trong cuộc chiến đấu này, chiến đấu với chính mình, vượt lên được các giáo điều xưa cũ là yếu tố then chốt để đi đến thắng lợi với đối thủ trên thương trường. Chúc các doanh nhân chúng ta thành công!



Báo Sài Gòn tiếp thị - (25/01/2006)


More


Trang chủ  |   Giới thiệu  |   Định vị  |   Phản hồi  |   Giúp đỡ

Số lượt truy cập: 3282759 © Copyright 2003 Vietnam Development Gateway, All right Reserved, Legal & Privacy Notices.
E-mail: vncgteam@vnn.vn  —   Tel: 84-4-2129161