Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, từ năm 2001 đến tháng 10 năm 2005, cả nước đã sắp xếp được 3.183 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hoá (CPH) 2.056 DN, giao bán 252 DN, sáp nhập và hợp nhất 416 DN, giải thể và phá sản 181 DN, sắp xếp theo các hình thức khác là 277 DN. So với phương án sắp xếp tổng thể của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và điều chỉnh, bổ sung thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) thì sắp xếp DN đạt khoảng 82,6%, CPH đạt 74,5%. Số DN 100% vốn nhà nước giảm trên 32,3%, nhưng số vốn nhà nước tại các DN CPH mới chỉ chiếm khoảng 9% toàn bộ vốn nhà nước tại các DN.
Đánh giá kết quả trên, ông Trương Văn Đoan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: "Thời kỳ 2001 - 2005 là thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ nhất của các DNNN kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch mà các Nghị quyết Trung ương đã đề ra thì phải cần thêm thời gian". Ông Đoan chỉ ra 3 cái khó khi tiến hành CPH DNNN thời gian qua. Thứ nhất, các cơ quan xây dựng chính sách khó có thể đề ra được những chính sách phù hợp cho quá trình chuyển đổi DNNN tại Việt Nam. DN thuộc các thành phần kinh tế khác nếu làm ăn không hiệu quả có thể bị phá sản, nhưng đối với DNNN thì không thể, vì còn liên quan đến các vấn đề xã hội như tài sản, đời sống và việc làm của người lao động... Thứ hai, các cơ quan chủ quản như các địa phương, bộ, ngành rất sợ “ôm” các DNNN để tiến hành CPH. Thứ ba, chính bản thân các DN ở nhiều nơi không muốn CPH vì sợ xáo trộn, hoặc CPH rồi nhưng không có chuyển biến rõ rệt mà vẫn làm ăn theo kiểu DNNN. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Đoan, là do cơ chế, chính sách được áp dụng chung cho mọi DNNN sau CPH, trong khi đó lại không phù hợp với từng loại hình DN. "Các DNNN đóng góp cho nền kinh tế không nhiều. Thời gian qua, các DNNN nộp ngân sách chỉ đạt 96% chỉ tiêu, trong khi thu ngân sách chung của toàn nền kinh tế tăng 17%”, ông Đoan nói.
Nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương khi cho rằng, việc CPH các DNNN thời gian qua mới tiến hành chủ yếu là các DN có quy mô nhỏ, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; chưa đổi mới có ý nghĩa về quản trị DN, đầu tư thiết bị, công nghệ mới. Các giải pháp giao bán, khoán kinh doanh, cho thuê những DNNN không thể CPH thực hiện được ít và tỏ ra ít hiệu quả sau khi thực hiện. Việc sắp xếp DNNN mới chỉ thực hiện chủ yếu trong nội bộ từng bộ, ngành, địa phương.
Ông Hồ Xuân Hùng, Phó ban Đổi mới DNNN Trung ương cho biết, việc chúng ta không chọn liệu pháp "sốc" khi tiến hành CPH DNNN là một hướng đi đúng đắn, cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. “Điều này bảo đảm không gây ra sự đổ vỡ cho nền kinh tế”, ông Hùng nói. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc chuyển đổi chậm cũng sẽ gây bất lợi cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Nguyên nhân của sự chậm trễ, theo ông Hùng, là tuy các văn bản luật hướng dẫn thực hiện CPH đã tương đối đầy đủ, nhưng hiệu quả cải cách hành chính không đạt, trong khi cơ chế xin - cho vẫn tồn tại rất nặng nề. Chính sách có đổi mới, nhưng mục tiêu giảm thiểu phiền hà cho DN vẫn không đạt, khiến nhiều nơi chưa "mặn mà" với CPH. Chuyển đổi sở hữu nhưng không trao thực quyền cho DN, khiến nhiều DN rất lúng túng khi quyết định kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Kiến nghị tại Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 và Trung ương 9 (khoá IX), các đại biểu nhất trí cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ CPH theo nguyên tắc thị trường, tập trung CPH những DN hoạt động kinh doanh có quy mô lớn, CPH toàn tổng công ty theo hình thức chủ yếu là phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn thông qua đấu giá trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đồng bộ khuôn khổ pháp lý theo hướng không phân biệt sở hữu, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Kiên quyết xây dựng lộ trình thực hiện cải cách hành chính và sắp xếp DNNN một cách đồng bộ. Thực hiện tách chức năng quản lý kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước như bộ, UBND địa phương không làm chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN...
Báo Đầu tư - (14/11/2005)
|