Theo UBND Tp.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2005, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức khá: sản xuất công nghiệp đạt trên 13%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 19%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,3%. Tuy nhiên, tất cả các chỉ số đó vẫn còn thấp so với kế hoạch là 12% trong năm 2005.
Nguyên nhân được xác định là nguyên liệu đầu vào đối với tất cả các ngành đã tăng 15%, môi trường pháp lý chưa làm cho doanh nghiệp yên tâm. Bên cạnh đó là những hạn của các doanh nghiệp như: hiệu quả sử dụng vốn, lao động, tính cạnh tranh của sản phẩm không cao...
Hai nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài
Ngày 11/8/2005, đại diện các ngành và những doanh nghiệp ở Tp.HCM có liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu đã họp bàn trong buổi tọa đàm để tìm "Giải pháp cấp bách để đẩy mạnh xuất khẩu". Theo đó, những vướng mắc của các đơn vị đã được đem ra "mổ xẻ" và kiến nghị một cách thẳng thắn đối với các ngành liên quan.
Để khắc phục những hạn chế này, đại diện các ngành cũng đưa ra 2 nhóm giải pháp. Về nhóm giải pháp lâu dài, các doanh nghiệp cho rằng môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng. Vấn đề kiện chống phá giá đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng, vì vậy ở cấp vĩ mô và góc nhìn của những nhà làm luật cần có sự chuẩn bị. Ngoài ra, vai trò của Hiệp hội và nhà quản lý rất quan trọng khi doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý.
Thứ hai là chuẩn bị nguồn cung ứng vật tư cho doanh nghiệp. Ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may cho biết, về tính chiến lược cần thành lập trung tâm cung ứng vật tư cho ngành may mặc. Muốn tăng giá trị sản phẩm thì ngành dệt may phải xóa bỏ gia công mà chuyển sang sản xuất FOB và doanh nghiệp phải chủ động vật tư và tự tìm thị trường.
Thứ ba là các ngành cần phải chú trọng tới việc xác định đối thủ canh tranh như với các sản phẩm của Trung Quốc. Việc xây dựng hình ảnh sản phẩm của Tp.HCM trong các mối quan hệ về cung ứng và cách làm ăn của Việt Nam.
Về các giải pháp từ nay tới cuối năm, theo ông Trần Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến công nghiệp ngành da giày Việt Hội, có 3 vấn đê cần khắc phục. Thứ nhất là tình trạng thiếu kiến thức về hội nhập kinh tế. Chính vì bị lúng túng trong đối thoại, hạn chế trong giao dịch ngoại thương mà các doanh nghiệp gặp trở ngại trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Thứ hai, năng lực sản xuất vốn bình quân ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ khoảng 2 tỷ thì không đủ để tạo sứ cạnh tranh. Ở các thị trường truyền thống, doanh nghiệp còn có thể tạm thời phát huy được vì kinh nghiệm nhưng thị trường mới thì không đủ tính cạnh tranh. Ví dụ như hạn chế về mẫu mã, yếu kém về kênh phân phối và bế tắc khi quyết định đưa hàng vào thị trường mới.
Thứ ba là giá trị gia tăng đẩy ra nước ngoài không cao cùng với tay nghề của công nhân và thiết bị chưa đồng bộ. Điều này phần nào chứng tỏ đường lối chính sách của thành phố không trùng hợp và chưa đi đúng hướng.
Liên kết để tạo sức cạnh tranh
Để tạo hoạt động lớn và sản phẩm có tính canh tranh và phát triển thị trường, các doanh nghiệp phải có sự liên kết, nâng cao năng lực. Có hai dạng liên kết. Một là liên kết theo nhánh, có nghĩa là nguyên liệu của ngành này phải phục vụ cho ngành khác, ví dụ như trong ngành chăn nuôi. Hai là liên kết giữa các đơn vị nhỏ. Điều này giúp ngành tăng vốn, nhân lực và đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu nhỏ và gia công.
Ông Nguyễn Công Đức, Giám đốc Trung tâm xúc tiến doanh nghiệp công nghiệp, Sở công nghiệp cho rằng, thành phố cần tổ chức các buổi gặp mặt thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau nhằm tháo gỡ khó khăn. Đơn vị chuẩn bị mở đối thoại trực tiếp trên mạng để trả lời thắc mắc của doanh nghiệp trong vòng 5 ngày.
Cũng theo ông Đức, đơn vị sẽ mở trang web để cung cấp thông tin xuất khẩu hữu ích, đồng thời tạo ra các buổi tọa đàm, gặp gỡ, tạo đầu mối, liên kết, cũng như tổ chức chiến dịch tháng tiêu thụ hàng Việt Nam. Thành phố cần chọn 10 - 20 doanh nghiệp của thành phố nằm trong hàng Việt Nam chất lượng cao và có sản phẩm công nghiệp chủ lực để chú trọng đầu tư và xúc tiến kho ngoại quan thêm nhiệm vụ xúc tiến thương mại.
Về nguồn tài chính cho doanh nghiệp, theo đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu, Ngân hàng dự định đưa ra 1.000 tỷ để cho vay sản xuất. Các ngành là đối tượng vay chủ yếu là da giày, dệt may, thủy sản. Trong lĩnh vực vay vốn, doanh nghiệp cần tận dụng lãi suất của đồng USD. Hiện nay so với mặt bằng chung thì các doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng ngăn ngừa rủi ro về biến động tỷ giá, vì vậy tìm nguồn vốn bằng USD.
Thời báo kinh tế Việt Nam - (22/08/2005)
|