Cộng hòa Séc muốn đẩy mạnh buôn bán với Việt Nam để tạo thế cân bằng thương mại vốn lâu nay chỉ nghiêng về phía Việt Nam.
Đó là phát biểu của ông Martin Pelikán, Trưởng đoàn DN Cộng hòa Séc tham gia Triển lãm máy móc thiết bị MTA đang diễn ra ở Trung tâm Hội chợ Triển lãm TP.HCM. Ông Pelikán từng là Tham tán thương mại Cộng hòa Séc tại Việt Nam, hiện là đại diện của Bộ Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Séc đã trả lời phỏng vấn VietNamNet.
- Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, theo đánh giá của ông đang tiến triển tốt chứ?
- Tôi cho rằng mối quan hệ thương mại giữa hai nước là rất tốt. Từ khi chia tách Cộng hòa Séc luôn là thị trường hấp dẫn đối với các DN Việt Nam. Hàng hóa từ Việt Nam xuất vào Cộng hòa Séc ngày càng nhiều, không chỉ cung cấp cho người Séc mà còn cho cả cộng đồng Việt Nam ở đây. Mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước gia tăng nhanh chóng mà phần lớn là nghiêng về phía Việt Nam. Năm 2003 Việt Nam xuất khẩu khoảng 60 triệu USD, năm 2004 con số đó đã tăng lên 85 triệu USD. Trong khi đó xuất khẩu của Séc vào Việt Nam trung bình chỉ đạt 20 triệu USD.
- Và ông cho rằng Séc cần đẩy mạnh buôn bán với Việt Nam để cân bằng thương mại giữa hai nước?
- Đúng vậy. Trước hết phải nói là chúng tôi muốn quan hệ thương mại hai nước ngày càng phát triển và cán cân thương mại cần được tạo lập giữa hai bên. Chúng tôi muốn thương mại của Séc cân bằng với Việt Nam không chỉ tăng một chiều. Việt Nam tăng cường xuất khẩu và ngược lại Séc cũng vậy.
Đây là lần đầu tiên đoàn DN Séc xúc tiến thương mại với Việt Nam và chúng tôi bắt đầu chương trình này bằng một cuộc triển lãm ở TP.HCM, nơi mà chúng tôi cho rằng rất năng động và có thể gia tăng phần xuất khẩu của DN Séc.
- Nhưng thưa ông, tại sao chương trình xúc tiến thương mại của Séc lại bắt đầu bằng các DN trong lĩnh vực chế tạo máy móc mà không phải là lĩnh vực nào khác?
- Đó là thế mạnh của Séc. Lâu nay chúng tôi xuất khẩu vào Việt Nam nhiều máy móc thiết bị, chủ yếu cho ngành chế biến gỗ, cơ khí. Do đó chúng tôi muốn tiếp tục thế mạnh này trong đợt xúc tiến thương mại đầu tiên của Séc. Hơn nữa, chúng tôi biết rằng DN Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi công nghệ và thiết bị nên sẽ rất cần các loại máy móc thiết bị từ nước ngoài. Bên cạnh máy móc thiết bị, chúng tôi cũng xuất khẩu vào Việt Nam những sản phẩm khác như pha lê, bột mì, nguyên liệu làm bia...
- Nói đến máy móc thiết bị, các DN của Nhật Bản, Đài Loan... đã xâm nhập thị trường Việt Nam khá mạnh. Liệu ông cho rằng DN Séc có thể cạnh tranh được với họ?
- Đây là vấn đề với DN Séc. Tôi nghĩ là có thể được. Chúng tôi sẽ thông qua các DN và cộng đồng Việt Nam ở Séc để xâm nhập thị trường Việt Nam, không chỉ đối với thiết bị máy móc mà còn đối với những sản phẩm khác.
- Ông có cho rằng DN Cộng hòa Séc "chậm trễ" khi bây giờ mới bắt đầu nghĩ đến Việt Nam hay không?
- Như tôi nói ở trên năm 1990 CH Séc mới được hình thành. Chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc đẩy mạnh quan hệ thương mại với các nước xung quanh của châu Âu hơn là các thị trường ngoại khối. Bây giờ chiến lược của chúng tôi đã thay đổi và châu Á đang là sự quan tâm mà trong đó đáng chú ý là thị trường Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines...
Việt Nam đang chuẩn bị trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và khi trở thành thành viên của tổ chức này sẽ là cơ hội tốt cho phát triển kinh tế. Các nước khác cũng vậy xem đó là cơ hội tốt để làm ăn với Việt Nam.
- Theo ông dự đoán liệu khi nào Séc tạo lập quan hệ cân bằng thương mại với Việt Nam?
- Rất khó để trả lời cũng như dự đoán khi nào quan hệ thương mại hai nước sẽ cân bằng hay khi nào Séc đạt được mức thặng dư trong thương mại với Việt Nam. Tuy nhiên tôi có thể dự đoán là xuất khẩu của Việt Nam vào Séc vẫn sẽ tiếp tục tăng và sẽ đạt 100 triệu USD trong năm nay trong khi xuất khẩu của Séc vào Việt Nam chỉ đạt khoảng 35 triệu USD mà thôi.
Cám ơn ông!
VietNam Net - (14/03/2005)
|