Today: 3 Jan 2006
  Trang chủ | Giới thiệu | Định vị | Góp ý | Giúp đỡ | English

Kinh tế
Tin tức
Chiến lược và kế hoạch phát triển
Đầu tư nước ngoài
Thương mại
Hội nhập kinh tế quốc tế
Doanh nghiệp
Tài chính ngân hàng
Nông nghiệp - Công nghiệp
Tin tức
Chào mừng đến Việt Nam
Giáo dục - Đào tạo
Chính phủ quản lý
Hợp tác Quốc tế
Khoa học - Công nghệ - Môi trường
Phát triển xã hội
Website phục vụ phát triển
TỶ GIÁ GIAO DỊCH
DIỄN ĐÀN
HỎI/ĐÁP
Hà Nội 14 - 24 oC
Huế 18 - 23 oC
Đà Nẵng 19 - 27 oC
Hồ Chí Minh 22 - 32 oC
  Thương mại

Tăng xuất khẩu để giảm nhập siêu

Mặc dù tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu đang có dấu hiệu chững lại sau nhiều giải pháp, nhưng nhập siêu vẫn đang là vấn đề cần được giải quyết về lâu dài nhằm đảm bảo cân bằng cán cân thương mại ở mức an toàn cho tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 9 tháng qua cả nước đã nhập khẩu lượng hàng hoá, nguyên liệu trị giá gần 27,4 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, so với 8 tháng đầu năm, tốc độ tăng nhập khẩu đã chậm lại chút ít và thấp hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.
 
 Tuy nhiên, cứ theo đà này, con số nhập siêu của cả năm sẽ vẫn tiếp tục đạt kỷ lục mới, lớn nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ngoài những con số cụ thể, cơ cấu thị trường và mặt hàng nhập khẩu là những vấn đề cần lưu ý khi xem xét tình hình nhập siêu trong cả khoảng thời gian 5 năm trở lại đây để có biện pháp cải thiện tình trạng này.
 
 Bảng số liệu của Tổng Cục thống kê từ năm 1999 đến nay cho thấy, con số nhập siêu đã không ngừng tăng và tăng nhanh, từ 210 triệu USD lên mức 5,45 tỷ USD năm 2004.
 
 Ngoài yếu tố khách quan về giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thế giới đang tăng cao, một nguyên nhân luôn được đưa ra để lý giải cho tình trạng gia tăng nhập siêu là nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, cần nhiều nguyên liệu cho sản xuất, cần nhập khẩu máy móc, thiết bị để cải tiến công nghệ trong nước.
 
 Tuy nhiên, trên thực tế cách lý giải này đang dần không còn thuyết phục nữa. Bảng thống kê cơ cấu hàng xuất nhập khẩu 9 tháng qua cho thấy, các "đại gia" dệt may, da giày, thuỷ sản, cà phê chỉ tăng rất ít kim ngạch và số lượng xuất khẩu, thậm chí còn giảm.
 
 Đi kèm với đó là việc giảm hoặc chỉ tăng chút ít lượng nguyên - phụ liệu nhập khẩu phục vụ những ngành sản xuất này. Nhập khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ sản xuất cũng giảm đáng kể. Trong khi đó, lượng ô tô và phụ tùng ôtô nhập khẩu tăng tới 36,6%; đặc biệt mặt hàng xe máy tăng tới 138,1%.
 
 Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thuộc Bộ Thương mại, trên thực tế, lượng ngoại tệ dành cho nhập khẩu hàng tiêu dùng mỗi năm cũng khá lớn, nhất là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm.
 
 Điều này một mặt cho thấy các sản phẩm trong nước chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nội địa, mặt khác cũng thể hiện tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nhập, thích “sài sang” của người Việt Nam.
 
 Mặc dù, ngành thuế cũng đã có nhiều biện pháp điều chỉnh mức thuế suất, đặc biệt đối với nhóm hàng ôtô - xe máy để khuyến khích sản xuất trong nước, nhưng xem ra ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục "thua trên sân nhà".
 
 Một điểm đáng lưu ý nữa là trong khi Mỹ và EU là những thị trường "nguồn" của công nghệ cao, thiết bị hiện đại, có tác động lớn đến sự đổi mới kỹ thuật trong nước thì Việt Nam lại không nhập siêu từ những khu vực này, thay vào đó lại nhập siêu rất lớn từ châu Á-một thị trường gần, mở cửa giao lưu sớm, ít rào cản thương mại nhưng công nghệ không cao, đôi khi còn có công nghệ "rác".
 
 Xét về khu vực kinh tế, nhập siêu luôn luôn cao ở khối các doanh nghiệp trong nước, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu. Chín tháng qua, khu vực kinh tế trong nước đã nhập siêu gần 7,38 tỷ USD; khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 3,5 tỷ USD.
 
 Như vậy, các doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng hết cơ hội của công cuộc mở cửa hội nhập khi các quốc gia trên thế giới ngày càng cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu mạnh mẽ, và không vượt qua được thách thức khi Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết quốc tế về lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu.
 
 Bình luận về vấn đề này, nhiều chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong khi đầu tư sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu đòi hỏi nhiều thời gian, vốn và phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu thì giải pháp trước mắt hữu hiệu hơn là đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần thay đổi cơ cấu nhập khẩu cả về thị trường và sản phẩm theo hướng tăng nhập khẩu máy móc thiết bị ở những thị trường nguồn công nghệ cao, giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng trong nước có thể sản xuất được.
 
 Tất nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục được tình trạng “thắng ít trên sân người, thua trên sân nhà” bằng cách năng động hơn trong tìm kiếm và duy trì thị trường xuất khẩu, đồng thời tận dụng triệt để lợi thế “sân nhà” để cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.
 
 Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, cách tốt nhất để giảm nhập siêu thời điểm này là tăng xuất khẩu. Có như vậy mới cải thiện được cán cân thanh toán, tăng dự trữ quốc gia-những việc đặc biệt cần thiết cho một nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh như Việt Nam.
 
 Theo hướng này, sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp kinh tế xã hội những tháng cuối năm, ban hành ngày 20/7/2005, trong đó yêu cầu các bộ ngành có giải pháp quyết liệt để tăng kim ngạch xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, Bộ Thương mại đã tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp và các địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng có thế mạnh như gạo, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, thuỷ sản,
 
 Ngoài những biện pháp xúc tiến thương mại truyền thống như tổ chức khảo sát thị trường, triển lãm, hội thảo, phát huy triệt để hoạt động của các cơ quan ngoại giao Việt Nam trong việc giới thiệu quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài, một giải pháp được chú trọng gần đây là phát huy tiềm lực của cộng đồng Việt kiều ở nước ngoài trong việc làm cầu nối cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam đến nước sở tại. Những cộng đồng người Việt ở Mỹ, Đông Âu đang tỏ ra rất năng động trong lĩnh vực này.
 
 Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể vẫn đạt mức trên 31 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và sẽ góp phần cải thiện tình trạng nhập siêu.

Thông tấn xã Việt Nam - (30/09/2005)


More

Trang chủ  |   Giới thiệu  |   Định vị  |   Phản hồi  |   Giúp đỡ

Số lượt truy cập: 1632134 © Copyright 2003 Vietnam Development Gateway, All right Reserved, Legal & Privacy Notices.
E-mail: vncgteam@vnn.vn  —   Tel: 84-4-8532313