Một cơ hội mới đang mở ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam: Cơ quan Xúc tiến Thương mại Thụy Điển - cửa ngõ dẫn vào khu vực Bắc Âu và cũng là một thị trường nhập khẩu lớn - vừa được chính thức ra mắt.
Đây sẽ là một kênh hỗ trợ hữu hiệu giúp các nhà xuất khẩu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam xuất khẩu hàng hoá của mình sang khối EU nói chung và thị trường Thụy Điển nói riêng được dễ dàng hơn.
"Bằng việc thành lập cơ quan này, chúng tôi mong muốn giúp các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển bán sản phẩm của mình sang Thụy Điển một cách dễ dàng hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu của Thụy Điển sẽ có được sự lựa chọn về hàng hoá lớn hơn và rẻ hơn", ông Carin Jamtin, Bộ trưởng Bộ Hợp tác phát triển quốc tế, Thụy Điển giải thích.
Nhu cầu lớn đối với các mặt hàng thế mạnh
Hiện tại, Thụy Điển đang có nhu cầu nhập khẩu rất cao với nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là dầu thô, hàng dệt may, giày dép, thuỷ sản, chè, cà phê.
Nhiều công ty của Thụy Điển, trong đó có những tập đoàn nhập khẩu lớn có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU và Thụy Điển như IKEA (chiếm khoảng 75% thị phần nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Thụy Điển) và NILSON (nhà nhập khẩu giày dép lớn của Thụy Điển), đã đầu tư và bắt rễ sâu tại Việt Nam.
Nhiều công ty khác của Thụy Điển cũng đang rất quan tâm tới việc mở rộng hoạt động kinh doanh với các đối tác Việt Nam. Đây cũng chính là những cánh cửa đã mở mà Việt Nam cần dụng công thêm để ngày càng mở rộng hơn cho hàng hoá của mình. Hơn nữa, các hàng rào thuế quan của khối EU đang dần được hạ thấp và trong một số trường hợp đã được xoá bỏ hoàn toàn đang mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Nhưng khó khăn vẫn chưa hết. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng ngày càng có nhiều vấn đề trong quá trình áp dụng các quy định thương mại khác nhau và những đòi hỏi về kỹ thuật từ thị trường EU. Để vào thị trường Thụy Điển, các doanh nghiệp gặp phải rất nhiều quy chế chung cho khối EU, những cũng có rất nhiều những yêu cầu và quy định chuyên biệt của Thụy Điển.
Ông Borje Risinggard, Giám đốc Hội đồng nhập khẩu thuộc Liên đoàn thương mại Thụy Điển, cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào thị trường EU và nhất là thị trường Thụy Điển, cần phải tính đến xu hướng chung đang chuyển từ nền kinh tế dựa chủ yếu vào lao động giản đơn sang nền kinh tế tri thức.
Nghĩa là người tiêu dùng sẽ không chỉ đòi hỏi những sản phẩm chất lượng cao, mà còn đặc biệt quan tâm tới những giá trị mới của sản phẩm thể hiện qua các yếu tố về bảo đảm môi trường, các chuẩn mực về đạo đức, nhất là điều kiện làm việc của người lao động. Có lưu ý tới những yếu tố mới này, sản phẩm của Việt Nam mới có lợi thế cạnh tranh và đứng vững trên thị trường EU vốn nổi tiếng là kỹ tính.
Cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, khó có thể yêu cầu doanh nhân các nước đang phát triển phải thật thông thạo hệ thống thuế quan của EU, những vấn đề liên quan đến chứng chỉ, những yêu cầu trọn gói và các quy định hành chính.
Chính vì vậy, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp tại các nước đang phát triển muốn xuất khẩu hàng hoá sang Thụy Điển, Chính phủ nước này đã đi tiên phong trong việc quyết định thành lập Cơ quan xúc tiến thương mại Thụy Điển.
"Đơn giản hoá các thủ tục thương mại là ưu tiên chính trong chương trình nghị sự của Thụy Điển tại các cuộc thương thảo hiện nay của Tổ chức thương mại quốc tế. Rất tiếc những vấn đề đó thường bị các vấn đề về thuế quan và bao cấp lấn áp. Chờ đợi những thay đổi trong Tổ chức WTO sẽ tốn kém cả về thời gian và tiền bạc đối với hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển cũng như đối với các nhà nhập khẩu của chúng tôi", Bộ trưởng Carin Jamtin giải thích lý do vì sao Thụy Điển phải đi trước một bước.
Cơ quan xúc tiến thương mại Thụy Điển sẽ giúp các công ty xuất khẩu của các nước đang phát triển bằng cách cung cấp thông tin về những yêu cầu, hướng dẫn và quy định mà họ phải áp dụng; đưa ra các biện pháp để giảm bớt những khó khăn phức tạp không cần thiết tại cả Thụy Điển lẫn trong khối EU. Các công ty xuất khẩu của Việt Nam có thể liên hệ với cơ quan này để có được những thông tin về các quy định có liên quan và thảo luận những vấn đề của mình.
Về sáng kiến này của Thụy Điển, cách đây hơn một năm một cơ quan với chức năng tương tự cũng đã được thành lập ở cấp EU. Vai trò đặc biệt của ủy ban là cung cấp thông tin về thuế quan và các vấn đề về biên giới. Đó là một sự bổ sung rất quan trọng và là một bước đi đúng hướng.
"Chúng tôi biết rằng một Cơ quan xúc tiến thương mại của Thụy Điển là cần thiết với mục đích cung cấp thông tin cho các nhà xuất khẩu của các nước đang phát triển. Chúng tôi tin rằng Cơ quan Xúc tiến Thương mại Thụy Điển sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt được phát triển công bằng trên toàn cầu", Thomas Ostros, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại, Thụy Điển nói.
Thời báo kinh tế Việt Nam - (22/03/2005)
|