Ngày 4/7, Bộ Công nghiệp đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2010, theo đó, nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn này khoảng gần 40.000 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch này, cơ cấu theo thành phần kinh tế của công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ chuyển dịch theo hướng: doanh nghiệp nhà nước giảm xuống còn 40-41% năm 2010; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng lên 14-15% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng lên khoảng 44-45%.
Các ngành công nghiệp chủ lực của Hà Nội - chiếm khoảng 85% tổng số vốn đầu tư - phát triển theo hướng có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao trong sản xuất công nghiệp, tác động đến phát triển của nền kinh tế, có điều kiện sử dụng lao động kỹ thuật, nhu cầu thị trường rộng lớn trong và ngoài nước và không gây ô nhiễm môi trường.
Nhóm ngành điện tử và công nghệ thông tin có tỷ trọng tăng nhanh nhất (16-17%). Ngành cơ khí vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất và tăng lên 36-37% (năm 2010).
Bộ Công nghiệp cho rằng, Hà Nội có thế mạnh và lợi thế để phát triển ngành cơ khí, vì vậy cần đầu tư chiều sâu và mở rộng liên doanh với nước ngoài và liên kết với các tỉnh trong vùng trọng điểm Bắc Bộ.
Ngoài 6 khu công nghiệp tập trung mới được hình thành trong những năm gần đây, trong 5 năm tới, Hà Nội dự kiến quy hoạch thêm 1 khu công nghiệp tập trung nữa ở Sóc Sơn có quy mô từ 300-350ha, sát với Khu công nghiệp Nội Bài. Quỹ đất dành để phát triển công nghiệp Hà Nội chủ yếu là đất canh tác hoặc đất chưa sử dụng nên khá thuận lợi cho quy hoạch phát triển.
Thông tấn xã Việt Nam - (08/07/2005)
|