Sau mục tiêu 500 triệu USD vào năm 2005 bất thành, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam lại đang đặt ra cho mình một mục tiêu mới: đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2010.
Mục tiêu “khiêm tốn” này gắn liền với dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2006-2010 do Bộ Bưu chính Viễn thông khởi thảo. Một lần nữa, vấn đề nguồn nhân lực lại được đề cập tới như một điều kiện then chốt cho sự thành công của chương trình.
Theo Bộ Bưu chính Viễn thông, 2005 là năm cuối cùng triển khai kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đồng thời cũng là năm cuối cùng của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07 của Chính phủ về việc xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm. Đây là lúc cần có những đánh giá, nhận định sâu sắc về hiện trạng phát triển của ngành này và đề xuất những mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn mới.
Mặt khác, cũng có thể coi giai đoạn 2001-2005 là giai đoạn khởi động cho công nghiệp phần mềm Việt Nam và thời gian tới phải là thời kỳ tăng tốc của ngành công nghiệp non trẻ nhưng đầy tiềm năng này.
Thống kê của Bộ Bưu chính Viễn thông cho thấy, năm 2004 được đánh giá là năm thành công đối với ngành công nghệ thông tin nói chung và ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam nói riêng. Tổng giá trị, dịch vụ của công nghiệp phần mềm Việt Nam ước đạt khoảng 160 triệu USD (mức tăng trưởng trung bình khoảng 38%/năm), trong đó gia công xuất khẩu phần mềm đạt khoảng 40 triệu USD. Số còn lại là thị trường trong nước.
Tuy nhiên, phương pháp tính toán này còn bỏ qua nhiều sản phẩm dịch vụ mà các cơ quan, doanh nghiệp tự sản xuất để sử dụng và các dịch vụ liên quan khác như cài đặt, đào tạo. Chính vì vậy, Viện chiến lược bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin lại đưa ra con số khả quan hơn rất nhiều, đó là vào khoảng 250-300 triệu USD.
Doanh số gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam hiện này vẫn chỉ mới tập trung vào một số doanh nghiệp lớn có quan hệ đối tác chặt chẽ với nước ngoài như FPT với doanh số khoảng 4,3 triệu USD, Paragon Solutions Vietnam và TMA với doanh số khoảng 2,7 triệu USD.
Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, sản xuất phần mềm đã đạt tới con số 2.500 doanh nghiệp trong đó có khoảng 600 doanh nghiệp thực sự có hoạt động. Số doanh nghiệp này thu hút khoảng 150.000 nhân lực trực tiếp làm phần mềm với năng suất trung bình khoảng 10.000 USD/người/năm. Hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM vẫn là nơi tập trung các khu công nghiệp phần mềm hoặc trung tâm phần mềm lớn và cũng là 2 địa phương thu hút được nhiều nhất các công ty phần mềm với tỷ lệ tương ứng là 40% và 50%.
Để tạo uy tín xuất khẩu, các doanh nghiệp phần mềm cũng đã nỗ lực đầu tư cho quy trình quản lý chất lượng. Hiện đã có 1 doanh nghiệp đạt CMMI-5, 1 doanh nghiệp đạt CMM5, 3 doanh nghiệp đạt CMM3 và khoảng 30 doanh nghiệp đạt ISO-9001.
Phát biểu tại hội thảo về chương trình phát triển phần mềm vừa được tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết: mục tiêu đặt ra của ngành này tới năm 2010 là đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 35-40%/năm, doanh thu toàn ngành đạt 1 tỷ USD trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 50% tổng doanh thu.
Chương trình cũng đặt ra mục tiêu đào tạo được khoảng 200.000 sinh viên công nghệ thông tin, trong đó có 50% trở thành chuyên gia làm phần mềm chuyên nghiệp, đồng thời đặt mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền xuống còn 60%. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu đưa công nghiệp phần mềm Việt Nam được ghi nhận rộng rãi trên cộng đồng quốc tế và làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm phần mềm nhúng, sản phẩm nội dung thông tin số trọng điểm.
Mục tiêu này được đặt ra dựa trên những quan điểm phát triển được xem là đồng bộ, gồm: phát triển nguồn nhân lực đông đảo và chuyên nghiệp như một điều kiện then chốt cho sự thành công; tập trung cho các sản phẩm dịch vụ phần mềm, đặc biệt là dịch vụ outsourcing cho nước ngoài, nhất là thị trường Nhật Bản; sản phẩm trọng điểm là phần mềm nhúng, sản phẩm thông tin số, phần mềm mã mở.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho sự phát triển công nghiệp phần mềm, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa để làm chỗ dựa và bàn đạp cho doanh nghiệp tích lũy kinh nghiệm trước khi ra thị trường quốc tế; đầu tư trực tiếp nước ngoài và của Việt kiều đóng vai trò quan trọng; có biện pháp mạnh để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm.
Đồng ý với quan điểm đưa ra về vấn đề nhân lực, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học Tp.HCM nhấn mạnh: bức xúc của hầu hết các doanh nghiệp phần mềm hiện nay là nguồn nhân lực. Nhân lực đã thiếu lại còn hạn chế về ngoại ngữ và kỹ năng thực tế. Với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm như hiện nay, nhân lực chất lượng cao sẽ phải tăng khoảng 60%/năm thì mới giải quyết được vấn đề.
Ông Tùng cũng kiến nghị thành lập Vụ Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin bên cạnh các cơ quan khác như Cục Ứng dụng công nghệ thông tin, Vụ Viễn thông, Vụ Công nghiệp công nghệ thông tin để đảm bảo đủ “4 chân cho một cái bàn” nhằm đáp ứng cho chương trình phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trong giai đoạn mới.
Thời báo kinh tế Việt Nam - (06/05/2005)
|