Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam 3 năm qua (2001-2003) vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 7,1%/năm.
Về mặt cơ cấu, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của Việt Nam đã giảm từ 24,5% năm 2000 xuống còn 22,2% năm 2003; tỷ trọng công nghiệp tăng từ 36,7% lên khoảng 39%; tỷ trọng các ngành dịch vụ được duy trì ở mức 38,5%.
Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân khoảng 5,3%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%, cao hơn mục tiêu 13% cho giai đoạn 2001-2005.
Ba năm qua, cả nước đã thu hút được gần 1.600 dự án FDI, với tổng vốn khoảng gần 7 tỷ USD. Nguốn vốn được đưa vào thực hiện đạt khoảng 7,5 tỷ USD.
Cũng trong ba năm qua, mỗi năm có thêm 1,5 triệu người được tạo việc làm mới, tỷ lệ sinh giảm 0,04%. Tính đến năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo đói giảm xuống còn 12%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 54%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 28%.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định rằng những kết quả đạt được trong ba năm qua còn thấp so với yêu cầu và so với khả năng có thể huy động cho phát triển kinh tế xã hội. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu kế hoạch 5 năm 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai năm tới phải cao hơn mức bình quân ba năm qua, ít nhất là phải đạt 8,2%/năm.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11 vừa qua, các chỉ số về phát triển kinh tế năm 2004 đã được thông qua với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 7,5-8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 11-12%.
VNCG-VDC1 - (17/12/2003)
|