Suốt 30 năm kể từ khi giải phóng đến nay, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng trưởng liên tục. Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tốc độ tăng trưởng của thành phố luôn ở mức cao, từ 5,2%/năm trong giai đoạn 1986-1990 lên tới 11%/năm giai đoạn 2001-2005, gấp 1,5 lần mức tăng bình quân của cả nước.
Tuy chỉ chiếm 6,6% về dân số và 0,6% về diện tích tự nhiên của cả nước, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt lên hàng đầu về mức GDP bình quân tính theo đầu người - năm 2004 đạt xấp xỉ 1.800 USD/người/năm, gấp 3,75 lần mức bình quân cả nước. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt đến con số 1.985 USD.
Đã lùi xa cảnh hàng vạn căn nhà ổ chuột, lụp xụp chen chúc ven dòng kênh nước đen. Những tòa cao ốc hiện đại, những dãy chung cư, những khu đô thị mới mọc lên san sát; 14 khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đại được hình thành từ những miền đất sình lầy, hoang hóa quy tụ hàng trăm nhà máy với hàng chục vạn công nhân. Hàng loạt công trình mới đã và đang được khẩn trương hoàn thành: Tuyến đường Xuyên Á, mở rộng Xa lộ Hà Nội... Nhiều dự án mới đã được khởi công như ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, đường-hầm đại lộ Đông-Tây...
Nông thôn ngoại thành từ vành đai trắng nay đã khoác lên màu áo mới, trở thành vành đai xanh với trên 40.000ha rừng đước của huyện Cần Giờ, với những vùng rau sạch chuyên canh, những khu du lịch vườn sinh thái ở quận 12, Hóc Môn, Củ Chi.
Các thành phần kinh tế phát triển phù hợp với thế mạnh của Thành phố. Kinh tế Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động; cơ bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý. Kinh tế tập thể phát triển linh hoạt với nhiều mô hình mới.
Kinh tế dân doanh ngày càng khởi sắc với sự bùng phát của hơn 50.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 25% tổng số doanh nghiệp tư nhân của cả nước, với tổng vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng, đóng góp cho thành phố 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, 78% tổng mức bán lẻ, 64% tổng lượng vận chuyển hàng hóa, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Với hơn 1.600 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn, với tổng vốn đăng ký trên 12,2 tỷ USD, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thật sự là một trong những động mạnh chủ của nền kinh tế, chiếm khoảng 19% trong cơ cấu GDP của Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào "đền ơn đáp nghĩa", "xóa đói giảm nghèo", "bảo trợ bệnh nhân nghèo", đem lại "nụ cười cho trẻ thơ", phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và các chương trình khác như "xóa nhà ổ chuột", xây dựng 10.000 "nhà tình nghĩa", 12.000 "nhà tình thương" và cả các chương trình "xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn dân cư", cải cách hành chính, thực hiện mục tiêu ba giảm...
Đến nay, Thành phố đã trực tiếp hỗ trợ cho trên 10 vạn hộ nghèo vươn lên thoát khỏi chuẩn nghèo, cơ bản hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn I và đang tích cực triển khai thực hiện đồng bộ giai đoạn II theo tiêu chí mới:sẽ xóa nghèo cho 88.982 hộ với 435.31 nhân khẩu có mức thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm- tương đương với 1 USD người/ngày.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong phương hướng chủ yếu phát triển KT-XH Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, TPHCM sẽ được xây dựng thành một trung tâm dịch vụ chất lượng cao về các mặt viễn thông, dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, du lịch của cả nước và có tầm cỡ quốc tế.
Thành phố phấn đấu đạt cho được mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, động viên mọi nguồn lực, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sức cạnh tranh cao; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị-xã hội nhằm đưa Thành phố đến năm 2010 trở thành một Thành phố văn minh, hiện đại và là một trong những trung tâm thương mại, tài chính của khu vực Đông Nam Á.
Thông tấn xã Việt Nam - (06/04/2005)
|