“ Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư của Việt Nam là khá hấp dẫn”, ông Dominic Scriven, tập đoàn Dragon Capital, đã nhận định như vậy tại diễn đàn AEBF 9.
Ông có thể cho biết một số nội dung chủ yếu được thảo luận trong cuốc họp nhóm làm việc về dịch vụ tài chính?
Ông Dominic Scriven: Vấn đề bức xúc nhất tại cuốc họp nhóm là việc phát triển các cơ chế và định chế để thu hút vốn dài hạn trong xã hội và đầu tư nguồn vốn này một cách có hiệu quả. Vấn đề này không chỉ liên quan tới Việt Nam mà còn liên quan tới các nước khác ở châu Á và châu Âu.
Ông đánh giá về công tác quản lý tài chính công ở Việt Nam?
Ông Dominic Scriven: Theo tôi được biết, tỷ lệ thu trên GDP của Việt Nam hiện ở mức 23%, thấp hơn các nước châu Âu nhưng tương đối cao so với các nước châu Á
Bên cạnh đó, tổng vay nợ quốc gia của Việt Nam cũng không lớn, trong đó phần vay với lãi xuất cao và các khoản vay nước ngoài chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nợ quốc gia. Vì vậy có thể thấy, tỷ lệ trả lãi (debt – service ratio) của Việt Nam ở mức 2,5%. Tỷ lệ đó đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Ngoài ra, luồng vốn vào Việt Nam hiện lớn hơn so với luồng vốn ra, góp phần ổn định nền tài chính quốc gia. Nếu Việt Nam là một công ty, tôi sẽ đánh giá cao công ty đó.
Nhiều người cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các nhà đầu tư trong nước. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Ông Dominic Scriven: Thực ra, anh hỏi bất cứ nhà đầu tư nào, họ cũng sẽ nêu ra đề nghị của họ với Chính phủ. Nhưng phân tích một cách tương đối khách quan, tôi cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là khá hấp dẫn
Chúng ta đều biết Chính phủ Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng một luật doanh nghiệp chung, tức là nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đều chịu sự điều chỉnh của luật này. Tôi cho điều đó là hợp lý.
Về xu hướng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, ông có dự báo gì?
Ông Dominic Scriven: Nếu chúng ta nhìn lại những năm giữa thấp kỷ 90, các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, thậm chí nguồn vốn đã đầu tư vào Việt Nam, là khá lớn, về cả mặt tuyệt đối và cả mặt tương đối so sánh với GDP. Theo cá nhân tôi, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu ổn định. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các năm gần đây chiếm khoảng 5-7% GDP. Nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng, tỷ lệ trên là phù hợp, có nghĩa nền kinh tế có thể hấp thụ được nguồn vốn mà không tác động đến chỉ số giá cũng như sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 0,5% so với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguyên nhân có thể là do môi trường thu hút vốn đầu tư gián tiếp của Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, Việt Nam cần có các chính sách thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.