Làng Thụy Khuê nằm ở phái Nam Hồ Tây, tên gốc là Thụy Chương, là một bộ phận quan trọng hợp thành phường Thụy Chương thuộc huyện Quảng Đức, Kinh đô Thăng Long thời Lê. Đầu thế kỉ XIX, làng thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức; đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) thuộc tỉnh Hà Nội.
Năm Mậu Thân (1848), vì tránh tên miếu hiệu của Vua Thiệu Trị, làng phải đổi tên thành Thụy Khuê. Năm 1915 làng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1942 lại đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội). Từ năm 1981 là một phường của quận Ba Đình, từ cuối năm 1996 được cắt chuyển về quận Tây Hồ.
Là một làng trong phường cũ của cố đô Thăng Long nên Thụy Khuê còn bảo lưu nhiều dấu tích lịch sử từ thời Lý. Địa dư của làng kéo dài từ đầu phố Thụy Khuê (khu vực trường Chu Văn An hiện nay) đến đền Voi Phục hiện ở số nhà 251 của phố này. Đền thờ Linh Lang đại vương tục truyền là hóa thân của Hoàng tử Hoàng Chân có công đánh giặc Tống trên phòng tuyến sông Cầu năm 1076 (cũng là vị thần ở đền Voi Phục Cầu Giấy), nên đền này thường gọi là đền Voi Phục Thụy Khuê. Đền được xây dựng từ lâu, hiện còn tấm bia dựng năm Vĩnh Tộ thứ ba (1621) cho biết đền có tiếng là nguy nga và linh thiêng. Vua nhân cầu đảo thấy linh nghiệm bèn cho tu bổ và cấp cho đền 30 mẫu ruộng.
Có ý kiến cho rằng, khu vực đền này chính là điện Thụy Chương thời Lý, khoảng cuối tháng 11 năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly đã cho dỡ điện này để lấy vật liệu chuyển vào xây dựng kinh đô mới ở Tây Đô ở Thanh Hóa.
Phía góc Tây trường Chu Văn An ngày nay là Viện Châu Lâm và chùa Châu Lâm được xây dựng vào thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Viện là nơi ở của các ca nữ Chiêm Thành bắt được mang về đây, còn chùa để họ cúng lễ. Chùa Châu Lâm còn có tên Nôm là chùa Bà Đanh. Sở dĩ gọi như vậy vì khi Viện Châu Lâm bị bỏ thì ngôi chùa này có quá ít người đến lễ. Đến năm 1907, chùa Châu Lâm phải dỡ bỏ để Pháp xây trường Trung học Bảo hộ (nay là trường Chu Văn An), tượng Phật và bát hương của chùa này chuyển sang chùa Phúc Lâm ở cuối làng, mé Tây Nam.
Một di tích khác là miếu “Cố Lê tiết nghĩa” (số nhà 124 phố Thụy Khuê hiện nay), do Gia Long cho xây dựng để thờ những viên quan nhà Lê đã chạy theo Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc sau khi 29 vạn quan Thanh do Chiêu Thống rước về bị Quang Trung và quân Tây Sơn đánh tan tác vào đầu Xuân Kỷ Dậu (năm 1789). Kề cận đó là hai ngôi đình của hai giáp Đông và Đoài của làng Thụy Khuê.
Xưa kia, ngoài làm ruộng, đánh cá, buôn bán, dân làng Thụy Khuê còn có nghề dệt vải nhỏ và lụa. Các sản phẩm của nhà dệt này đã được ghi trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi.
Về học hành, làng Thụy Khuê chỉ có ông Nguyễn Đoan (1473 - ?) đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống đời Vua Lê Hiến Tông (1502). Thời Nguyễn, làng có ông Phan Kế Bính (1875 - 1921) đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ đời Vua Thành Thái (1906), không ra làm quan mà tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục, sau dó ở nhà viết văn, viết báo (cho các báo Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí) và dịch sách. Ông trở thành nhà nghiên cứu văn hóa lớn của đất nước đầu thế kỷ XX. Tác phẩm có giá trị nhất là cuốn Việt Nam phong tục, tác phẩm dịch nổi tiếng nhất là bộ Tam Quốc diễn nghĩa. Tên của ông đã được đặt cho một đường phố nối phố Liễu Giai với phó Linh Lang.
Báo Hà Nội mới - (04/04/2006)
|