Tây Nguyên bao gồm 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Đây không chỉ là địa bàn chiến lược của cả nước về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, mà còn là vùng văn hóa dân gian đa dạng và đặc sắc ở Việt Nam.
Đã có những công trình khoa học khẳng định Tây Nguyên là một trong bảy vùng văn hóa lớn của Việt Nam. Đã có không ít các công trình ở trong và ngoài nước phác họa bức tranh rất đa dạng và phong phú về văn hóa Tây Nguyên.
Tây Nguyên xa xưa cũng như hiện nay là nơi gặp gỡ của nhiều luồng dân cư, nơi giao lưu văn hóa của nhiều tộc người, do vậy các dân tộc người Tây Nguyên và văn hóa Tây Nguyên là bức thảm nhiều màu sắc. Cuộc gặp gỡ đầu tiên là của các tộc nói ngôn ngữ Môn-Khơme với các tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo từ ven biển và hải đảo vượt lên vào đầu thời kỳ kim khí, tạo nên một lớp dân cư bản địa mà con cháu của họ sinh sống tới nay với khoảng gần 20 tộc người lớn nhỏ khác nhau như: Bana, Xê Đăng, Mnông, Mạ, Stiêng, Hrê, Bơ Râu, Giẻ Triêng, Môn-Khơme, và Êđê, Gia Rai, Raglai, Chu Ru (Nam Đảo).
Sau đó, vào các giai đoạn lịch sử khác nhau, Tây Nguyên lại đón nhận thêm các nhóm tộc người từ nhiều vùng của đất nước đến định cư, như người Việt, các dân tộc thiểu số ở miền Trung, Bru - Vân Kiều, và đặc biệt là từ miền núi phía Bắc vào các thập kỷ gần đây như Tày, Thái, Nùng, Mường, Mông, Dao làm cho Tây Nguyên trở thành một vùng có thành phần tộc người đa dạng và đông đảo nhất nước ta hiện nay (khoảng trên 40 tộc người, trong đó có khoảng 20 tộc người bản địa).
Hơn thế nữa, các tộc người lại cư trú xen nhau không chỉ trong phạm vi xã, huyện, mà thậm chí trong từng buôn làng, từng gia đình, làm cho xu thế giao lưu ảnh hưởng văn hóa giữa các tộc người trở nên mạnh mẽ. Tây Nguyên là vùng văn hóa cổ, dấu tích con người có mặt ít nhất cũng từ thời đá mới, đặc biệt là với những phát hiện khảo cổ học gần đây ở Lung Leng (Kon Tum) và Cát Tiên (Lâm Đồng) đặt Tây Nguyên vào vùng đã từng có nền văn hóa đạt trình độ cao, tương đương về trình độ và niên đại với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ, Sa Huỳnh ở Trung Bộ và Đồng Nai ở Nam Bộ.
Trong lịch sử, Tây Nguyên đã từng là địa bàn nằm trong khu đệm giữa Vương quốc Ăng Kor ở phía Tây và Chămpa ở phía Đông, do vậy cũng không tránh khỏi những xáo trộn và ảnh hưởng do tác động từ các quốc gia này. Tuy nhiên, nói đến Tây Nguyên là nói đến một vùng gần như duy nhất của Đông Nam Á không chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ (phi Hoa phi ấn). Do vậy văn hóa Tây Nguyên cổ truyền được coi là kho vốn văn hóa khá nguyên gốc của Đông Nam á trước khi bước vào quá trình "Ấn Độ hóa và Trung Hoa hóa".
Văn hóa Tây Nguyên xét về bản chất là "văn hóa rừng", "văn hóa thực vật"; về trình độ phát triển là văn hóa dân gian truyền miệng thời kỳ tiền Nhà nước, tiền giai cấp; về quy mô là văn hóa buôn làng. Vì thế văn hóa ít biểu hiện bằng tre gỗ, quy mô nhỏ tương ứng với từng cộng đồng làng buôn. Sự kỳ vĩ của nó biểu hiện chủ yếu trong văn hóa phi vật thể hơn là vật thể. Ví dụ, những bộ sử thi của người Mnông, Xê Đăng quy mô đồ sộ dài hàng chục vạn trang, những nghệ nhân có thể nhớ và hát sử thi liên tục trên dưới một trăm giờ.
|
Người Tây Nguyên còn ở trình độ tư duy hiện thực huyền ảo vì mọi hiện thực đều được con người quy về các hiện tượng tự nhiên, quy về thế giới động vật, thực vật quanh mình. Con người thực sự là một bộ phận của tự nhiên, bình đẳng và gắn kết với tự nhiên. Đó là nhân tố quan trọng tạo nên tính nhân bản sâu sắc của nền văn hóa Tây Nguyên.
Ngôn ngữ của con người Tây Nguyên là ngôn ngữ giàu hình ảnh và vần điệu, đó là thứ ngôn ngữ lời nói vần, một hình thức trung gian giữa ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ văn học. Đặc tính tư duy và hình thức ngôn ngữ đó của con người Tây Nguyên đã khoác lên văn hóa của họ những màu sắc, đường nét thật độc đáo.
Trong văn hóa phần lớn các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng đóng vai trò quán xuyến cuộc sống con người. Với quan niệm cộng đồng gồm hai nửa - hôm qua và hôm nay - thế giới hữu hình luôn có liên hệ với thế giới vô hình mà cồng chiêng với âm thanh, với âm nhạc và với sức mạnh thiêng liêng của nó, là cầu nối. ở Việt Nam, nhiều dân tộc dùng chiêng cồng. Người Kinh dùng một cái cồng đi với một cái trống trong tế lễ đình làng. Người Thái dùng 2-3 cồng trong xòe vòng. Người Mường có một dàn cồng trong hội "Rước bông cơm trái lúa" và hội "Sắc bùa". Nhưng không ở đâu cồng chiêng lại quán xuyến cuộc sống con người và đạt đến trình độ nghệ thuật âm nhạc như cồng chiêng Tây Nguyên. Chính phẩm chất này đã khiến "văn hóa cồng chiêng" và "nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng" trở thành một đặc điểm nổi bật của vùng văn hóa Tây Nguyên.
Trước đây vài thập kỷ, Tây Nguyên là vùng còn tiềm ẩn nhiều kho tàng văn hóa dân gian phong phú và đồ sộ. Đó là văn học truyền miệng với nhiều thể loại phong phú, trong đó tiêu biểu nhất là kho tàng sử thi với hàng trăm tác phẩm, được trình diễn trong sinh hoạt cộng đồng, là dạng sử thi sống, khiến Tây Nguyên được coi là vùng sử thi duy nhất ở Việt Nam và là vùng sử thi hiếm quý trên thế giới. Đó là nền âm nhạc cồng chiêng, mà tiền thân của nó là những bộ đàn đá tiền sử, vật sở hữu duy nhất của Tây Nguyên hiện nay. Đó là những bộ luật tục bằng văn vần truyền miệng, nơi chứa đựng những tri thức phong phú về quản lý cộng đồng, về bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Đó là kiến trúc nhà ở, nhà công cộng (nhà Rông, nhà Gươi, nhà dài...), điêu khắc tượng nhà mồ, mỹ thuật trang trí độc đáo, ở đó thể hiện mối quan hệ văn hóa xa xưa với thế giới hải đảo ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đó là hệ thống tín ngưỡng, phong tục lễ hội mang đậm tính chất tự nhiên và nhân văn, khiến con người không chỉ gần gũi hòa đồng với thiên nhiên, mà còn gắn bó con người với nhau thành một cộng đồng gắn kết bền chắc.
Vietnamtourism - (17/10/2003)
|