Ngày 13-10-2004, Viện Văn hóa - Thông tin cùng các nghệ nhân Tây Nguyên gấp rút hoạch định chương trình hành động năm năm nhằm điều tra, sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng. Đây cũng là một bước trong kế hoạch chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản của nhân loại.
Công tác quản lý về văn hóa cồng chiêng từ trước đến nay chưa được đặt ra một cách cụ thể. Chúng ta chỉ coi trọng các hoạt động quản lý video, băng nhạc, văn hoá phẩm... mà bỏ quên công tác quản lý cồng chiêng. Đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách về công tác này cũng không có.
Mặt khác, các nhà quản lý cũng chưa tuyên truyền cho nhân dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình để cùng gìn giữ, bảo vệ phát huy nó trong nền văn hóa cộng đồng.
Trước thực trạng này, ngày 13-10-2004, Viện Văn hóa - Thông tin cùng các nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên đã gấp rút hoạch định Chương trình hành động năm năm tới với phương hướng tập trung vào việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong không gian văn hóa Tây Nguyên. Theo đó, khoảng 500.000 USD sẽ được chi cho việc nghiên cứu bảo tồn di sản này trong năm năm (2005 - 2009).
Báo Nhân Dân - (14/10/2004)
|